Bộ Tư pháp mới đây công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Dự thảo này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trong đó đề xuất quy định về các mức xử phạt liên quan hành vi "bạo lực tình dục trong hôn nhân gia đình".
Ép vợ quan hệ tình dục, chồng sẽ bị phạt nặng
Theo quy định tại luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022, một trong 16 hành vi bạo lực gia đình là "cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng".
Dự thảo đề xuất xử phạt 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác để quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng.
Mức phạt này cũng được đề xuất áp dụng đối với các hành vi: cưỡng ép thành viên gia đình trình diễn hành vi khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục; kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình; cô lập, giam cầm thành viên trong gia đình.
Ngoài phạt tiền, người vi phạm buộc phải công khai xin lỗi khi người bị bạo lực gia đình có yêu cầu.
Mức phạt 20 - 30 triệu đồng còn được đề xuất áp dụng đối với hành vi: chiếm đoạt hoặc hủy hoại tài sản chung của gia đình; ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức, đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo tình trạng lệ thuộc về vật chất, tinh thần…
Vẫn theo dự thảo, mức phạt thấp hơn từ 10 - 20 triệu đồng được đề xuất áp dụng đối với các hành vi: cưỡng ép thành viên gia đình phải chứng kiến bạo lực đối với con người, con vật; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc thông tin khiêu dâm, kích thích bạo lực.
Mức phạt trên còn được đề xuất áp dụng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp; cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Mức phạt thấp nhất từ 5 - 10 triệu đồng, được đề xuất áp dụng đối với hành vi cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp hoặc kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Khó khăn khi xử lý bạo lực gia đình
Bộ Công an cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị định số 144/2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.091 vụ vi phạm hành chính về bạo lực gia đình, xử phạt 1.149 người với tổng số tiền phạt hơn 8,4 tỉ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình. Trong đó, cơ quan chức năng xử phạt các hành vi đồng thời được quy định trong bộ luật Hình sự là 470 vụ, 612 cá nhân, tổ chức vi phạm.
Đáng nói, trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình các quan hệ giữa các chủ thể chủ yếu là quan hệ về hôn nhân gia đình, chịu sự điều chỉnh nhiều bởi quy phạm đạo đức. Vì vậy, một hành vi vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình được xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là khá khó khăn.
Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 cũng cho thấy, có hơn 3.100 hộ đã xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ. Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.
Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình, 2.600 trường hợp là nữ, 556 trường hợp là nam. So với năm 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm nhưng tỷ lệ nạn nhân là nam giới tăng. Gần 3.000 người có hành vi bạo lực gia đình đã bị góp ý, phê bình, xử phạt hành chính và 129 người bị xử lý hình sự.
Thực tế, nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo. Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Thực trạng này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó với bạo lực.
Bình luận (0)