(TNO) Thực trạng tội phạm hình sự ngày càng trẻ hóa đã đến mức báo động. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức hình phạt chưa tương xứng.
LS Thạch Thảo
|
>> 'Nhất dao đoạt mạng' và nỗi lo trẻ vị thành niên phạm tội
>> Sát thủ máu lạnh mới ngoài 20 tuổi và con đường tù tội
Điều chỉnh độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội
Theo luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM), nguyên nhân chính khiến trẻ thành niên phạm tội ngày càng tăng là do Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định mức án nặng nhất dành cho các đối tượng phạm tội dưới 18 tuổi không vượt quá 18 năm tù.
“Chính vì hình phạt nhẹ như vậy nên “sát thủ” Lê Văn Luyện thoát chết khi đã ra tay giết chết 2 vợ chồng, 1 đứa con mới 18 tháng tuổi và gây thương tích 76% cho cháu bé trong gia đình. Dư luận luôn đặt câu hỏi là tại sao chỉ 18 năm tù với hành vi giết người hàng loạt và dã man như thế?”, LS Thảo nói.
LS Thảo nhấn mạnh, với sự phát triển về thể chất và trí tuệ như hiện nay thì một người 16 tuổi đã to khỏe và suy nghĩ chín chắn như một người 18 tuổi. Do vậy, cần xem xét điều chỉnh lại độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội là dưới 16 tuổi. Nếu trên 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với những hành vi giết người dã man có chủ đích, như trường hợp Lê Văn Luyện là phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Có như thế thì các đối tượng chưa thành niên mới lo sợ và không dám mạnh tay giết người một cách bừa bãi như hiện nay.
LS Thảo dẫn chứng thêm, việc phạm tội của trẻ vị thành niên thường rất manh động và không lường trước hậu quả bởi có những vụ án ngày mai tòa đưa ra xét xử về tội cố ý gây thương tích (tại ngoại) thì tối hôm trước khi đưa ra xử, đối tượng đó lại xách dao chém tiếp người khác, mặc kệ hậu quả, cứ nghĩ cầm dao chém trước rồi tính sau.
Có tăng hình phạt cũng không giảm tỉ lệ tội phạm
Trái ngược với ý kiến của LS Thảo, LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, số lượng tội phạm ở độ tuổi chưa thành niên chiếm tỉ lệ cao trong tổng số tội phạm của cả nước và có xu hướng ngày càng gia tăng. Kết quả thống kê về người chưa thành niên phạm tội là trung bình hằng năm có khoảng 15.000 đối tượng do người chưa thành niên thực hiện.
Có nhiều ý kiến cho rằng cần hạ độ tuổi tội phạm và tăng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, theo quan điểm của LS Chánh thì không nên hạ độ tuổi tội phạm và tăng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Bởi người chưa thành niên do chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và nhân cách nên việc xử lý họ là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn.
“Mục đích xử lý tội phạm chưa thành niên là nhằm giáo dục, giúp đỡ các em có cơ hội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân tốt cho xã hội. Đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra việc hạ độ tuổi và tăng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội sẽ làm giảm tỉ lệ tội phạm do người chưa thành niên gây ra”, LS Chánh phân tích.
LS Nguyễn Đức Chánh
Cần đưa trách nhiệm cha mẹ vào BLHS
Theo LS Chánh, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc người chưa thành niên phạm tội là do cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái; do môi trường giáo dục và do xã hội. Bởi môi trường xã hội sinh sống mà tốt thì rõ ràng nhân cách của trẻ chưa thành niên sẽ tốt. Nếu môi trường xã hội còn tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực, tệ nạn thì trẻ chưa thành niên dễ hình thành những suy nghĩ tiêu cực và dễ bị sa ngã…
Chính vì vậy, không phải cứ tăng nặng hình phạt mang tính trừng trị thì việc phòng ngừa tội phạm sẽ hiệu quả trong trường hợp của người chưa thành niên phạm tội. Ở đây cần loại bỏ nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên, trong đó việc làm trong sạch và lành mạnh hóa môi trường sống của người chưa thành niên; thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để quản lý, giáo dục người chưa thành niên.
Còn LS Nguyễn Tấn Thi (thuộc đoàn LS TP.HCM) nhận định, tính chất hành vi của đối tượng phạm tội vị thành niên không thua gì người lớn, thậm chí mức độ nguy hiểm còn lớn hơn, thiếu suy nghĩ hơn, dã man hơn. LS Thi cho rằng cần một biện pháp khác đó là phải đưa trách nhiệm của cha mẹ vào BLHS nhưng ở mức độ phạt tiền (tùy mức độ). “Tôi không ủng hộ việc giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà nên tăng độ tuổi chịu TNHS lên”, LS Thi nói.
LS Nguyễn Tấn Thi
|
Đại úy Nguyễn Nam Hào (điều tra viên của Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ công an), điều tra viên lâu năm về án hình sự của Công an TP.HCM nhận định, nên tăng hình phạt đối với tội phạm vị thành niên và giảm độ tuổi chịu TNHS là 16. Mặt khác, tuổi trưởng thành người chưa thành niên ngày càng sớm, tuổi nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hành vi do mình thực hiện ngày càng trẻ hơn, do đó cần phải có những chế tài, hình phạt nghiêm khắc hơn so với BLHS quy định hiện nay để tạo sự phòng ngừa và răn đe xã hội cho giới trẻ.
Ngoài ra, cần tăng hình phạt người chưa thành niên đối với các tội danh gây nguy hiểm cho xã hội cao (các tội phạm thuộc xâm phạm tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác trong BLHS) như giết người cướp của, hiếp dâm trẻ em, cố ý gây thương tích....
|
Bình luận (0)