Phát điện cạnh tranh nhưng vẫn chưa tách các nhà máy điện khỏi EVN

01/07/2011 23:19 GMT+7

6 tháng cuối năm không thiếu điện Hôm qua 1.7, thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm chính thức được khởi động. Theo khẳng định của Bộ Công thương, trong giai đoạn thí điểm, dù giá cả giao dịch giữa các nhà máy và công ty mua bán điện như thế nào, người tiêu dùng vẫn chỉ phải trả tiền điện theo biểu giá Nhà nước quy định.

Việc thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện sẽ được thực hiện theo hai cơ chế: 95% sản lượng điện được thanh toán theo hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy điện với Công ty mua bán điện, 5% sản lượng còn lại theo giá thị trường từng giờ (giá thị trường giao ngay). Tỷ lệ thanh toán theo hợp đồng sẽ được giảm dần xuống khoảng 60% trong các năm tiếp theo để tăng tính cạnh tranh. Giá thị trường được xác định theo các bản chào giá của các đơn vị phát điện, phản ánh cung - cầu của hệ thống điện trong từng thời điểm trong ngày. Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, mức giá thị trường được áp dụng trong thị trường giao ngay của khâu phát điện, nhưng biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng vẫn tiếp tục do Nhà nước quản lý.

Tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, trong tổng số 73 nhà máy điện có công suất đặt lớn hơn 30 MW, sẽ có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường (dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ có 55 nhà máy điện trực tiếp chào giá). Theo Bộ Công thương, tổng công suất đặt của các nhà máy này chiếm khoảng 61% công suất đặt toàn hệ thống điện. Các nhà máy BOT (Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2) sẽ do Công ty mua bán điện (trực thuộc EVN) chào giá thay để đảm bảo bảo lãnh Chính phủ và trách nhiệm thanh toán. Các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu như Sơn La, Hòa Bình, Yaly... sẽ không tham gia chào giá trên thị trường.

Nhiều lo ngại cho rằng sẽ khó có được sự cạnh tranh thật sự khi quyền mua ở EVN, trong khi các nhà máy ngoài EVN phải cạnh tranh chào giá với các nhà máy thuộc EVN. Theo ông Đặng Huy Cường, ngoài các nhà máy điện lớn do Nhà nước nắm giữ, các nhà máy điện còn lại thuộc sở hữu của EVN sẽ được tổ chức lại thành các tổng công ty phát điện độc lập, để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trên thị trường. Đáng nói, trước mắt, các tổng công ty phát điện này vẫn sẽ tiếp tục trực thuộc EVN.

* Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, cung ứng điện 6 tháng cuối năm 2011 sẽ cải thiện đáng kể so với 6 tháng đầu năm, nhờ các hồ chứa thủy điện chuyển sang giai đoạn mùa lũ sẽ nâng cao khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành tại miền Bắc như Cẩm Phả, Quảng Ninh, Sơn Động, Hải Phòng đã vận hành ổn định hơn, cộng thêm các nguồn điện mới dự kiến đưa vào vận hành đúng tiến độ với tổng công suất trên 2.000 MW, và nhập khẩu điện vẫn duy trì ở mức cao.

M.Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.