Bức tượng cao 2 m tình cờ được khai quật tại khu vực từng là thành phố cổ Heraclea Sintica, miền tây nam Bulgaria. Tượng khắc họa vị thần Hy Lạp Hermes và tương đối nguyên vẹn, chỉ mất một phần tay phải, The New York Times ngày 9.7 đưa tin.
Các nhà khảo cổ cho hay sau một trận động đất đã tàn phá thành phố vào năm 388, bức tượng được đặt trong hệ thống cống ngầm và phủ đất, giải thích cho việc phần lớn tượng không bị hư hại. Nhóm khảo cổ đã phát hiện bức tượng vào ngày 5.7.
"Thật kỳ diệu khi nó vẫn còn tồn tại", Tiến sĩ Lyudmil Vagalinski, người dẫn đầu nhóm khảo cổ, nói.
Đây được xem như bằng chứng cho thấy người dân thành phố cổ muốn gìn giữ những giá trị tôn giáo riêng trước sự lan rộng của Cơ đốc giáo, đặc biệt sau khi Hoàng đế La Mã Theodosius 1 tuyên bố Cơ đốc giáo là tôn giáo chính thức của đế chế La Mã.
Cống ngầm giai đoạn này thường là nơi trú ẩn của những người ngoại đạo, cố bảo vệ các bức tượng đồ sộ khỏi những người cuồng tín Cơ đốc giáo, đôi khi muốn phá hủy tượng của các vị thần ngoại giáo. Những thứ bị coi là ngoại đạo đều bị nghiêm cấm.
Sau trận động đất, các hệ thống cống ngầm hư hại và không được ngó đến. Thành phố Heraclea Sintica cũng bị bỏ hoang vào khoảng năm 500. Ông Martin Henig, chuyên gia về nghệ thuật La Mã tại Đại học Oxford (Anh), nói rằng: “Mặc dù nhiều người không nghĩ rằng cống ngầm là nơi phù hợp nhưng ít nhất thì bức tượng sẽ không bị hư hại”.
Trẻ em 2.000 năm trước vẽ bậy gì lên tường?
Hồi năm ngoái, những công nhân tại Rome (Ý) cũng đã phát hiện một bức tượng cẩm thạch trong hệ thống cống ngầm.
Tiến sĩ Lyudmil Vagalinski cho hay sẽ phân tích kỹ bức tượng và xác định niên đại, trước khi trưng bày tại bảo tàng lịch sử địa phương.
Bình luận (0)