Phát hiện "Chiến binh biển cả"

29/03/2008 10:13 GMT+7

(TNO) Các nhà cổ sinh vật học Brazil vừa thông báo tìm thấy hóa thạch của một loài cá sấu biển mới có niên đại cách nay 62 triệu năm, nó được biết đến như là loài bò sát đã sống qua được thời kỳ tuyệt chủng của khủng long vào khoảng 65 triệu năm trước.

Loài cá sấu biển trên có biệt danh là "Chiến binh biển cả", được các nhà khoa học đặt tên là Guarinisuchus Munizi, trong đó "Guarinisuchus" xuất phát từ ngôn ngữ của người thổ dân da đỏ vùng Amazon nghĩa là "chiến binh bộ lạc", còn "Munizi" là tên của nhà cổ sinh vật học người Brazil Geraldo da Costa Barro Muniz.

Theo các nhà khảo cổ, "Chiến binh biển cả" thuộc loài Dyrosauridae hiện diện trên Trái đất từ kỷ phấn trắng muộn (Late Cretaceous) khoảng 100 - 65 triệu năm trước đến thời kỳ đầu của kỷ Paleogene (thời kỳ Paleocene) cách đây khoảng 65 - 56,5 triệu năm. Dyrosauridae đã thay thế loài mosasaurs (một loại bò sát hình rắn, sống dưới nước, với những cái chân giống như mái chèo giúp nó bơi lội) hay những loài thằn lằn biển hình rắn khác để trở thành động vật biển ăn thịt vượt trội trong giai đoạn này.

Nhà cổ sinh vật học Alexander Kellner thuộc Bảo tàng Quốc gia Brazil tại Rio de Janeiro cho biết, "Chiến binh biển cả" dài khoảng 3m, và lý do để có được biệt danh đó là việc nó đã sống sót qua thời khủng long tuyệt chủng một cách mạnh mẽ. Việc phát hiện ra loài cá sấu biển này cũng đem đến một lý giải mới cho việc di cư của loài cá sấu tiền sử từ châu Phi đến Nam Mỹ và sau đó là Bắc Mỹ.

Hóa thạch là cái sọ, quai hàm và các đốt sống được tìm thấy tại ven biển Mina Poty thuộc bang Pernambuco ở đông bắc Brazil.


Hóa thạch "Chiến binh biển cả" - Ảnh: AFP


Hình minh họa "Chiến binh biển cả" đang săn mồi - Ảnh: Reuters

D.B (Theo Reuters, AFP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.