Phát hiện công trường khai thác đá xây thành nhà Hồ

07/08/2011 22:32 GMT+7

Trong quá trình khảo sát vùng đệm cảnh quan của di sản thành nhà Hồ, các nhà khoa học đã phát hiện công trường khai thác đá mà nhà Hồ đã dùng để xây dựng nên tòa thành đá kỳ vĩ.

Từ nhiều chục năm nay, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước khi nghiên cứu về thành nhà Hồ đều đau đáu với câu hỏi “đá xây thành được lấy từ đâu?”, và các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc đá được sử dụng để xây dựng thành nhà Hồ. L.Bizacier trong cuốn Nghệ thuật Việt Nam cho rằng đá dùng để xây dựng thành Tây Đô (thành nhà Hồ) được khai thác từ núi Xuân Đài. Các tác giả cuốn Mỹ thuật thời Trần lại viết đá được lấy từ động An Tôn. Đi xa hơn nữa, nhiều học giả còn cho rằng đá xây thành được lấy từ núi Nhồi, cách Tây Đô chừng 50 km.


Núi Phù Lưu (thuộc dãy An Tôn), xã Vĩnh yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) từng là công trường khai thác đá xây thành nhà Hồ - Ảnh: ngọc minh


Những phiến đá này hoàn toàn tương đồng với những phiến đá xây thành nhà Hồ - Ảnh: Ngọc Minh


Nhiều phiến đá đã qua chế tác được phát hiện có trọng lượng lên tới hàng chục tấn - Ảnh: Ngọc Minh

Ý nghĩa đặc biệt

Chính vì vậy, việc phát hiện công trường khai thác đá cổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc mở ra hướng nghiên cứu về nơi khai thác, kỹ thuật khai thác, vận chuyển đá lớn xây dựng thành nhà Hồ.

Các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa cần nhanh chóng khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực này, đồng thời tiếp tục khai quật, nghiên cứu nhằm bổ sung những căn cứ khoa học vào hồ sơ di sản thành nhà Hồ, báo cáo mở rộng vùng đề cử như cam kết của Việt Nam đối với UNESCO

Giáo sư - tiến sĩ Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia

Công trường khai thác đá cổ nằm trong khu vực núi Phù Lưu (thuộc dãy An Tôn), thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cách chân thành nhà Hồ khoảng 2 km về phía tây bắc. Đây là một núi đá vôi, có đỉnh cao nhất 126,5m. Núi có độ dốc nghiêng thoải dần về phía tây, diện tích gần 26 ha. Đá ở đây được chia thành những vỉa rất thuận lợi cho việc bóc tách. Các phiến đá phát hiện được phân bố trên một phạm vi rất rộng, chạy dọc sườn phía đông - nam của núi Phù Lưu.

Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã phát hiện được 21 phiến đá lớn. Căn cứ vào các dấu vết bóc tách và chế tác thủ công hiện còn rất rõ trên các bề mặt của phiến đá, đồng thời qua việc phân tích đối sánh với các phiến đá tại tường thành nhà Hồ, qua hố khai quật, thám sát cửa Nam năm 2008, các nhà khoa học đã khẳng định: Các phiến đá được phát hiện tại dãy núi Phù Lưu chính là các phiến đá được nhà Hồ cho khai thác với mục đích xây dựng kinh đô. Một số phiến đá được phát hiện có hình dạng và kích thước rất vuông vắn và có hình dạng và kỹ thuật tương đồng với các phiến đá tại thành nhà Hồ. Qua khảo sát đất ở bề mặt sườn và chân núi, các nhà khoa học còn phát hiện được rất nhiều mảnh dăm đá, ken dày lẫn với đất. Căn cứ vào các dấu vết chế tác và khai thác có thể thấy rằng đá được nhà Hồ cho chế tác phần thô tại chỗ, sau đó đá sẽ được chuyển về khu vực thành để xây dựng và hoàn thiện kỹ thuật.

Giáo sư - tiến sĩ Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, đánh giá: “Việc phát hiện ra công trường khai thác đá cổ không chỉ trả lời cho câu hỏi Hồ Quý Ly lấy đá ở đâu xây thành nhà Hồ, mà còn cho thấy việc thực hiện cam kết chiến lược bảo tồn và quản lý di sản thể hiện ở quan điểm: Chúng ta không thỏa mãn với những gì đã đạt được mà tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị của di sản...”.

Theo số lượng thống kê, ước tính có khoảng 25.000 m3 đá được sử dụng để xây dựng tường thành của thành nhà Hồ. Tổng bề mặt đá hiện còn được đo đạc là 10,1 triệu m2. Trọng lượng trung bình của mỗi khối đá nặng từ 10 - 20 tấn, cá biệt ở tường thành phía tây có khối đá khổng lồ nặng tới 26,7 tấn.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.