Hình ảnh về những "con nhện" trên sao Hỏa đã được tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp lại gần một khu được gọi là Thành phố Inca, và những bức ảnh này đủ để gây ra nỗi sợ hãi về nhện, theo báo Newsweek ngày 25.4.
Tất nhiên, đó không phải nhện thật, mà là những thực thể tối nhỏ hình thành trên bề mặt sao Hỏa do khí đốt xuyên qua một lớp băng carbon dioxide (CO2).
Trước đó, tàu quỹ đạo khí ExoMars Trace của ESA đã chụp lại những màng nhện rõ ràng hơn vào năm 2020, tiết lộ bí mật về những hình dạng kỳ lạ này.
Những "con nhện" này được cho là do mặt trời làm nóng các lớp CO2 đông lạnh trên bề mặt sao Hỏa. Cực nam của sao Hỏa, nơi phát hiện ra những "con nhện", có thể có nhiệt độ giảm xuống thấp tới –243 độ F, (-152,78 độ C), khiến CO₂ trong không khí thành băng rắn.
Sức nóng của mặt trời khiến băng CO2 ở dưới cùng của lớp băng biến thành khí. Khí này tích tụ giống như một lon soda bị lắc, làm nổ tung các lớp CO₂ băng giá trên cùng.
Khi khí phát nổ ra bên ngoài, nó mang theo những vật chất tối từ bề mặt sao Hỏa, nằm rải rác trong khoảng từ 45,7 m đến 965 m xung quanh hình dạng ngôi sao của lớp băng nứt. Nhìn từ quỹ đạo, những hình dạng kỳ lạ này giống như những con nhện.
Trong hình ảnh mới của Mars Express, những "con nhện" được nhìn thấy rải rác trên các ngọn đồi trên sao Hỏa cũng như gần một cấu tạo được gọi là Thành phố Inca. Các nhà khoa học vẫn chưa thực sự hiểu thành phố Inca hình thành như thế nào, theo Newsweek.
Cảnh sao Hỏa hiện rõ trong ảnh màu vừa được NASA công bố
Bình luận (0)