Phát hiện ‘dấu ấn sinh học’ của ung thư gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam

Liên Châu
Liên Châu
13/12/2022 16:59 GMT+7

Ung thư phổi hình thành do sự phát triển mất kiểm soát của tế bào mô phổi. Khoảng 85% ung thư phổi là ung thư không tế bào nhỏ.

Ung thư phổi chẩn đoán như thế nào?

Theo Bệnh viện K (Bộ Y tế), ung thư phổi là một trong những loại ung thư có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chẩn đoán ung thư phổi qua khám lâm sàng (các triệu chứng, khám cơ quan hô hấp...); các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (X-quang, CT scanner ngực); các xét nghiệm chẩn đoán di căn xa (MRI sọ não, CT ổ bụng, xạ hình xương, PETCT). Nếu có khối u tại phổi nghi ung thư, sẽ áp dụng chẩn đoán xác định bằng giải phẫu bệnh thông qua sinh thiết u, hạch...

Triệu chứng ung thư phổi không tế bào nhỏ

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU HÀ NỘI

Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Ung thư phổi được chia thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 10 - 15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85%.

Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, việc đưa ra phương pháp điều trị thích hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giai đoạn bệnh đóng vai trò quan trọng.

Đáng lưu ý, các nghiên cứu quốc tế gần đây nhất cho thấy, cập nhật các hình thức chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Việt Nam và châu Á giúp đáp ứng tốt hơn đặc điểm của bệnh nhân trong khu vực.

Yếu tố điển hình

Theo nghiên cứu quốc tế mới được công bố, đặc điểm bệnh lý ung thư phổi bệnh nhân châu Á trong đó có Việt Nam, có những điểm riêng so với các khu vực khác.

Điển hình là tỷ lệ đột biến gen EGFR (thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) ở bệnh nhân châu Á cao hơn hẳn so với các khu vực còn lại. Đột biến này được tìm thấy ở hơn 50% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Việc xác định đột biến gen EGFR của các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể giúp bác sĩ xác định các phương pháp điều trị phù hợp, vì vậy, xét nghiệm EGFR có thể được xem như một “dấu ấn sinh học" lý tưởng để chỉ dẫn cho phác đồ điều trị.

Với sự hỗ trợ của Liên minh Ung thư phổi toàn cầu, Hiệp hội Nghiên cứu ung thư phổi quốc tế về các thảo luận, mới đây nhóm các chuyên gia đã có thống nhất, cho rằng xét nghiệm dấu ấn sinh học định kỳ cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở châu Á có thể giúp cải thiện kết quả chẩn đoán, đảm bảo lựa chọn phác đồ điều trị có lợi nhất cho từng bệnh nhân, từ đó mang lại kết quả tốt nhất cho họ.

Đáng lưu ý, các nghiên cứu quốc tế gần đây cũng đưa ra nhận định ban đầu, bệnh nhân mắc ung thư phổi mà không liên quan hút thuốc lá có xu hướng xuất hiện đột biến gen EGFR cao hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.