Sau 2 ngày khai quật đầu tiên không thấy dấu vết gì, mọi người trong dòng họ và các nhà khảo cổ đều lo lắng. Nhưng đến ngày thứ 3, tại hố thám sát khai quật nằm ngay phía dưới nấm mộ đắp bằng đất có bia TS Nguyễn Kiều, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy huyệt mộ (chiều dài hơn 1,4 m, chiều rộng 0,5m) phủ một lớp đất đen khác với lớp đất liền thổ màu nâu đỏ bên cạnh, trong đó có một chiếc tiểu bằng gỗ, và có dấu tích xương người (một khúc xương ống dài khoảng 20 cm).
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Cường, huyệt mộ này là nơi an táng cụ TS Nguyễn Kiều, tấm bia trên mộ ghi năm 1931 là năm con cháu dòng họ Nguyễn Kiều ở làng Phú Xá đắp lại ngôi mộ này cho cụ, nên 2 di vật tìm thấy là 1 chiếc vò và 1 chiếc bát cổ có niên đại rất muộn so với ngôi mộ cổ của TS Nguyễn Kiều.
Bà Nguyễn Thị Sơn, đại diện dòng họ TS Nguyễn Kiều cho biết, các nhà khảo cổ đã phát hiện thấy, ngoài dấu vết xương trong chiếc tiểu bằng gỗ được cho là của TS Nguyễn Kiều, còn có dấu tích hài cốt của một người khác (không có tiểu, còn lại 2 ống xương), nằm gối một phần sang huyệt mộ TS Nguyễn Kiều. Đây là lần đầu tiên phát hiện trong một ngôi mộ cổ có dấu vết 2 bộ hài cốt.
Ban chỉ đạo cuộc khai quật quyết định sẽ đưa hài cốt TS Nguyễn Kiều về khu mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, còn bộ hài cốt khác sẽ đưa về nghĩa trang của phường Phú Thượng.
Việt Chiến
Bình luận (0)