Loài người mới, có tên khoa học là Homo luzonensis, được khai quật bên trong hang Callao trên đảo Luzon ở miền bắc Philippines và có niên đại cách đây từ 50.000 – 67.000 năm trước.
Đây là giai đoạn các tổ tiên của con người hiện nay và người Neanderthals đang sinh sôi khắp châu Âu và tìm đường đến châu Á.
Cuộc khai quật đã tìm được 7 chiếc răng, 2 xương bàn tay, 3 xương bàn chân, 1 xương đùi, được cho là thuộc về 2 người trưởng thành và một đứa bé, theo báo cáo trên chuyên san Nature hôm 10.4.
Trong đó, kích thước của răng cho thấy loài này có chiều cao trung bình không đến 1,2m, có lẽ còn lùn hơn cả loài Homo floresiensis, đôi khi còn được gọi là người lùn Hobbit.
Tác giả Florent Détroit của Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Paris (Pháp) cho hay phát hiện này mang đến thách thức mới nhất cho nỗ lực tìm cách giải đáp và diễn dịch chính xác cuộc tiến hóa của loài người.
|
Trước đây, giới nghiên cứu cho rằng con người không rời khỏi châu Phi cho đến khoảng 1,5 triệu năm trước.
Kế đến, sau vài trăm ngàn năm hầu như không có chuyện gì xảy ra, các tổ tiên của con người hiện đại bắt đầu đi khỏi châu lục đen cách đây khoảng 50.000 năm.
“Chúng tôi giờ đây biết được câu chuyện về lịch sử loài người phải phức tạp hơn nhiều so với vẫn tưởng, với một số loài khác nhau cùng tồn tại với Homo sapiens”, theo Guardian dẫn lời tiến sĩ Détroit.
Theo ông, Homo luzonensis là một trong những chủng loài đó, có nghĩa là loài người Homo sapiens hoàn toàn không hề cô độc trên mảnh đất của địa cầu thời xa xưa.
Bình luận (0)