Về "nền Cung", qua khai quật trên diện tích 84 m2, sâu trên 1m cho thấy tuy không tìm thấy dấu vết kiến trúc xưa, nhưng tại các hố đào có tới 8 lớp đất khác nhau, trong đó lớp đất cuối cùng ở bên ngoài được phát hiện có một lớp gạch có chiều rộng khoảng 1,4m, bề dày 0,3m. Gạch dùng để kè là các mảnh gạch vỡ, đá ong và khi đào sâu dưới phần gạch kè đã thu được nhiều hiện vật của người Chăm. Các nhà khoa học bước đầu nhận định khi nhà Tây Sơn xây dựng thành Hoàng đế Tây Sơn, đã cho kè một lớp gạch lên trên lớp đất của người Chăm để ổn định phần nền và sau đó đổ thêm đất phần bên trên để xây dựng công trình.
Về vị trí nền "hậu cung", nằm sau "nền cung" khoảng 40m, là một vùng đất cao 0,6m so với mặt ruộng xung quanh. Qua khai quật trên diện tích 100 m2 và độ sâu khoảng 1,2m, các nhà Khảo cổ học đã phát hiện được lớp đất màu đen dưới cùng có độ dày 0,65m với những hiện vật thu được chủ yếu là của người Chăm. Cũng như "nền cung", "hậu cung" cũng được nhà Tây Sơn cho đắp thêm một lớp đất dày 0,2m đến 0,3m, trên nền cũ của người Chăm để xây dựng công trình.
Đặc biệt qua khai quật trên nền đất do nhà Tây Sơn đắp thêm, đã xuất lộ toàn bộ dấu vết móng của một công trình kiến trúc, được xây dựng bằng tường đá ong, với khoảng 14 -15 viên đá ong, trong đó có viên dài nhất 0,9m. Mặt khác, tại 2 hố khai quật nói trên, các nhà khảo cổ học đã thu được nhiều hiện vật quí như các mảnh gốm, sứ, ngói, gạch được xác định ban đầu là của thời Champa, thời Tây Sơn và một ít do Trung Quốc thời bấy giờ sản xuất...
Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam), người chủ trì khai quật lần này, nhận xét: Dấu vết kiến trúc ở dưới nền "hậu cung" chạy theo hướng Đông Tây, nghĩa là công trình "hậu cung "sẽ quay về hướng Nam theo đúng một trục thần đạo hoàn chỉnh trong khuôn viên và các công trình kiến trúc ở Tử cấm thành. Việc phát hiện "nền cung" và "hậu cung" một lần nữa khẳng định việc xây dựng các công trình kiến trúc trong Tử cấm thành của nhà Tây Sơn là có quy hoạch cụ thể và manh tính đăng đối trong kiến trúc. Điều này thể hiện ở chỗ vị trí từ cửa Nam Môn đến cung Quyển Bổng, tiếp đến là điện Bát Giác, rồi đến nền cung và hậu cung... có khoảng cách rất đều nhau.
Để khai quật và nghiên cứu về Tử cấm thành, đoàn khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật đàn Nam Giao, nằm ở ngoài khu vực thành Hoàng đế (nơi trước đây Nguyễn Nhạc làm lễ tế Trời).
Theo TTXVN
Bình luận (0)