Phát hiện di cốt niên đại hơn 5.000 năm tại Bàu Dũ

11/03/2017 06:00 GMT+7

Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho biết các chuyên gia khảo cổ học, nhân chủng học Nhật Bản, Úc vừa phát hiện thêm một bộ di cốt người cổ tại di chỉ Bàu Dũ (xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành).

Đây là đợt khai quật khảo cổ chính thức lần thứ 3 kể từ năm 1984 tại di chỉ thuộc loại hình “Cồn sò điệp”, kéo dài 1 tháng, dự kiến kết thúc vào ngày 25.3 tới. Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ được Bộ VH-TT-DL đã cho phép khai quật với sự phối hợp của Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam.
Di cốt phát hiện lần này được chôn ở tư thế bó gối trong các hố sò điệp, xung quanh có các mảnh đá nhỏ để đánh dấu mộ. Hiện các chuyên gia vẫn đang thận trọng xử lý bộ di cốt bên dưới hố khai quật.
Trong lần khai quật hồi tháng 8.2014, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 6 cụm di cốt người cổ và hơn 60 di vật có dấu vết gia công và sử dụng (cuội, phiến thạch). Các chuyên gia xác định di chỉ Bàu Dũ có niên đại khoảng 5030 ± 60 năm trước Công nguyên, được xếp thành loại hình riêng có tên “đá mới sau Hòa Bình”. Loại hình di chỉ này còn có tên gọi là “Đống rác bếp”, “Cồn sò điệp”. Ở VN, Bàu Dũ là di tích đầu tiên thuộc loại hình này được nghiên cứu ở các tỉnh phía nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.