Nghiên cứu cho thấy loài ký sinh trùng Henneguya salminicola không có ty thể và bào quang màng kép, vốn hiện diện ở tất cả sinh vật có nhân chính thức để hấp thu ô xy.
Ký sinh trùng này có chưa đến 10 tế bào, là họ hàng với sứa, san hô và đã tiến hóa mất cơ chế trao đổi dưỡng khí. Chúng ký sinh một cách khá vô hại trong mô cơ của cá hồi và gây bệnh “thịt trắng sữa”, tức các nang dịch trắng bên trong thịt cá.
Các nhà nghiên cứu vô tình phát hiện sinh vật này sống không cần ô xy khi lập bản đồ gien của chúng.
Theo Giáo sư Dorothee Huchon tại Đại học Tel Aviv, các chuyên gia vẫn chưa hiểu được cơ chế sản sinh năng lượng của loài ký sinh trùng này và giả định rằng nó có thể hút ô xy từ các tế bào của cá, hoặc có kiểu hô hấp yếm khí. Một số sinh vật đơn bào như nấm và amip cũng tiến hóa mất nhu cầu thở nhưng đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận trên động vật.
“Hô hấp sử dụng ô xy được cho là cơ chế ở mọi loài động vật, nhưng giờ đây chúng tôi xác nhận rằng điều đó không còn đúng. Phát hiện của chúng tôi cho thấy sinh vật có thể tiến hóa theo các chiều hướng kỳ lạ”, ông Huchon nhận định.
Bình luận