Martinez và nhóm của cô đã phát hiện ra một đường hầm dài 1.305 mét, nằm sâu 13 mét dưới lòng đất được cho là dẫn đến lăng mộ Nữ hoàng Cleopatra. Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập gần đây công bố thông tin này và một chuyên gia thiết kế kiến trúc gọi đó là "phép màu".
"Cuộc khai quật hé lộ một trung tâm tôn giáo khổng lồ với ba khu bảo tồn, một hồ nước linh thiêng, hơn 1.500 cổ vật, tượng bán thân, vàng miếng, một bộ sưu tập tiền xu khổng lồ có hình Alexander Đại đế, Nữ hoàng Cleopatra và Ptolemy", Kathleen Martinez nói với CNN.
Cô cho biết thêm: "Phát hiện thú vị nhất là khu phức hợp đường hầm dẫn đến biển Địa Trung Hải và các kiến trúc bị chìm sâu dưới nước". Khám phá những kiến trúc dưới nước này sẽ là giai đoạn tiếp theo trong hành trình tìm kiếm ngôi mộ bị thất lạc của Nữ hoàng Ai Cập trong cuộc hành trình bắt đầu từ năm 2005.
"Sự kiên trì của tôi không thể nhầm lẫn với nỗi ám ảnh. Tôi ngưỡng mộ Cleopatra như một nhân vật lịch sử. Bà là nạn nhân của chiến dịch tuyên truyền của người La Mã nhằm bóp méo hình ảnh của bà. Bà ấy là một phụ nữ có học thức, có lẽ là người đầu tiên theo học chính thức tại Bảo tàng ở Alexandria, trung tâm văn hóa vào thời đó", Martinez nhận định.
Martinez ngưỡng mộ Nữ hoàng Cleopatra với tư cách là một sinh viên, một nhà ngôn ngữ học, một người mẹ và một triết gia.
Khi chồng Cleopatra - tướng La Mã Mark Antony chết trong vòng tay bà vào năm 30 trước CN, Cleopatra đã tự kết liễu đời mình ngay sau đó bằng cách để một con rắn cắn mình. Khoảnh khắc này đã trở thành bất tử trong nghệ thuật và văn học. Nhưng hơn hai thiên niên kỷ sau, người ta biết rất ít về nơi đặt hài cốt của bà.
Một loạt manh mối khiến Martinez tin rằng lăng mộ của Cleopatra có thể nằm trong Đền thờ Osiris ở thành phố đổ nát Taposiris Magna, trên bờ biển phía bắc của Ai Cập, nơi sông Nile gặp Địa Trung Hải.
Theo Martinez, Cleopatra vào thời của bà được coi là "hiện thân của nữ thần Isis", còn Antony được xem là thần Orisis, chồng của Isis.
Martinez tin rằng Cleopatra có thể đã an táng chồng mình trong đền để tôn thờ huyền thoại này. Martinez cho biết trong tất cả 20 ngôi đền xung quanh Alexandria mà cô đã nghiên cứu, "không có cấu trúc hay ngôi đền nào kết hợp được nhiều điều kiện như đền Taposiris Magna".
Năm 2004, Martinez trình bày giả thuyết của mình với Zahi Hawass, một nhà khảo cổ người Ai Cập, lúc đó là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về cổ vật của Ai Cập. Dự án của cô đã được phê duyệt một năm sau đó.
Và sau nhiều năm tìm kiếm, Martinez cảm thấy mình đang đến gần với mục tiêu đặt ra.
Các cuộc khai quật cho đến nay tiết lộ rằng "ngôi đền dành riêng cho Isis" mà Martinez tin đó là lăng mộ của Nữ hoàng Cleopatra nằm trong các đường hầm dưới biển. Giờ đây, Martinez đang "khởi đầu một hành trình mới: khai quật dưới nước".
Theo một tuyên bố của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, bờ biển Ai Cập đã bị động đất tàn phá trong nhiều thế kỷ, khiến thành phố Taposiris Magna sụp đổ và chìm dưới những cơn sóng lớn.
Đây là nơi Martinez và nhóm của cô đang tìm kiếm tiếp theo. Mặc dù "còn quá sớm để biết những đường hầm này dẫn đến đâu", cô vẫn hy vọng.
Nếu các đường hầm dẫn đến lăng mộ của Nữ hoàng Cleopatra, "đó sẽ là khám phá quan trọng nhất của thế kỷ", cô nói.
Bình luận (0)