Hệ kép, nằm bên trong "hóa thạch" thiên hà tên B2 0402+379, bao gồm hai siêu hố đen khổng lồ đang xoay quanh nhau trên quỹ đạo vỏn vẹn 24 năm ánh sáng, biến chúng thành bộ đôi siêu hố đen ở khoảng cách gần nhất từng được phát hiện trong vũ trụ.
Tuy nhiên, bất chấp khoảng cách gần đến thế, cả hai "gã quái vật" đều bị khóa chặt trong một vũ điệu bất biến suốt hơn 3 tỉ năm qua, theo báo cáo đăng trên chuyên san Astrophysical Journal.
Các nhà thiên văn vẫn chưa rõ liệu vũ điệu trên sẽ kéo dài vĩnh viễn, hoặc chấm dứt bằng một vụ kết hợp trong tương lai hay không.
"Các thiên hà với những hệ hố đen kép trọng lượng nhẹ hơn thường sáp nhập nhanh chóng", đồng tác giả Roger Romani, giáo sư vật lý của Đại học Stanford (Mỹ), cho biết.
Trong trường hợp bộ đôi của hóa thạch thiên hà B2 0402+379, cả hai đều có kích thước quá sức kềnh càng để có thể tiến tới kết hợp với nhau trong tương lai gần.
Các nhà khoa học cho rằng một khi hai siêu hố đen xích lại nhau ở mức đủ gần, sóng hấp dẫn của chúng mang theo đủ năng lượng để xúc tác cho sự sáp nhập của chúng, dù tiến trình dự kiến sẽ kéo dài và chậm chạp trong trường hợp các hố đen cỡ lớn.
Bình luận (0)