Phát hiện hành tinh mới của hệ sao gần Thái Dương hệ nhất

11/02/2022 20:50 GMT+7

Các nhà thiên văn học tìm được chứng cứ cho thấy sự tồn tại của một hành tinh mới đang xoay xung quanh Cận Tinh (Proxima Centauri), ngôi sao láng giềng của mặt trời.

Mô phỏng hành tinh Proxima d của Cận Tinh

eso

Hành tinh mới được đặt tên "Proxima d", bằng 1/4 khối lượng của trái đất. Proxima d đang ở rất gần Cận Tinh, chỉ bằng 1/10 khoảng cách giữa mặt trời và hành tinh gần nhất là sao Thủy, theo báo cáo đăng trên chuyên san Astronomy & Astrophysics. Cận Tinh cách Thái Dương hệ khoảng 4,2 năm ánh sáng.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hành tinh trên sau khi nghiên cứu những biến động nhỏ của Cận Tinh trong lúc nó phát tán lực hấp dẫn và tác động lên các thiên thể xung quanh.

Kết quả quan sát bằng Kính viễn vọng cực lớn (VLT) ở Chile của Đài Thiên văn Nam Âu (ESO) cho thấy Proxima d mất khoảng 5 ngày để hoàn tất vòng quay quanh Cận Tinh.

"Phát hiện mới cho thấy ngôi sao gần chúng ta nhất đang chứa đầy những thế giới vô cùng thú vị, và hoàn toàn nằm trong phạm vi con người có thể nghiên cứu cũng như thám hiểm", tác giả báo cáo João Faria của Viện Vật lý học thiên thể và Khoa học Không gian (Tây Ban Nha) cho biết.

Nhóm của ông Faria ước tính Proxima d cách Cận Tinh khoảng 4 triệu km, tức nằm ngoài vùng không gian có thể cho phép các hành tinh có nước dưới dạng lỏng.

Proxima d là hành tinh thứ ba và cũng là hành tinh nhẹ nhất cho đến nay của Cận Tinh. Các hành tinh khác trong hệ này bao gồm Proxima b, có khối lượng tương đương địa cầu và mất 11 ngày hoàn tất vòng quay quanh sao trung tâm. Trong khi đó, hành tinh Proxima c mất đến 5 năm để xoay quanh Cận Tinh.

Năm ngoái, các nhà thiên văn học ghi nhận vết lóa mạnh mẽ nhất từng phát ra từ một ngôi sao trong toàn bộ Dải Ngân hà, và bất ngờ là vết lóa này xuất phát Cận Tinh.

“Cận Tinh, cách mặt trời khoảng 4,2 năm ánh sáng, đã đột ngột phát sáng gấp 14.000 lần so với mức bình thường, và hiện tượng này kéo dài vỏn vẹn vài giây trước khi tắt ngúm”, theo trưởng nhóm nghiên cứu, trợ lý giáo sư vật lý học thiên thể Meredith MacGregor của Đại học Colorado-Boulder (Mỹ).

“Các hành tinh thuộc Cận Tinh hứng chịu sự bộc phát tia cực tím và bức xạ ở bước sóng milimét theo tần suất ít nhất một lần/ngày chứ không phải cả thế kỷ mới có một lần, và thậm chí vài lần trong ngày”, theo trưởng nhóm MacGregor.

Lúc đó, đội ngũ nghiên cứu kết luận rằng nếu bất kỳ sự sống nào có thể tồn tại được trong hệ sao láng giềng của Trái đất, chúng phải hoàn toàn khác với mọi sinh vật của địa cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.