Phát hiện hệ mặt trời mới

24/02/2017 21:39 GMT+7

Trong một cuộc họp báo, NASA tuyên bố đã tìm được hệ mặt trời mới toanh cách đây 39 năm ánh sáng, với 7 hành tinh giống trái đất xoay quanh một sao lùn.

“Đây là lần đầu tiên giới thiên văn học trái đất đã tìm được nhiều hành tinh ấm áp, có kết cấu bằng đá giống trái đất, xoay quanh một ngôi sao duy nhất, và ở khoảng cách không quá xa”, theo tờ The New York Times ngày 23.2 dẫn lời trưởng nhóm là chuyên gia Michael Gillon của Đại học Liege (Bỉ).
Với việc tìm thấy hệ sao này, được đặt tên là Trappist-1, có thể nói nhân loại đang đứng trước cơ hội vô cùng thiết thực để tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống bên ngoài hệ mặt trời. “Tôi cho rằng chúng ta đang tiến một bước quyết định đến viễn cảnh tìm kiếm sự sống ngoài kia”, theo thành viên Amaury Triaud, nhà thiên văn học của Đại học Cambridge (Anh).

tin liên quan

Thêm chứng cứ cho sự tồn tại của hành tinh thứ 9
Giới thiên văn học đã công bố phát hiện mà họ cho là đóng vai trò đột phá trong nỗ lực chứng minh hệ mặt trời có thêm hành tinh thứ 9, theo sau giả thuyết vừa được đề xuất vào năm ngoái.
Hệ sao kỳ lạ
Nhờ kính viễn vọng không gian Spitzer, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế phát hiện những hành tinh nói trên xoay quanh sao lùn Trappist-1, cách trái đất khoảng 378 nghìn tỉ km, tương đương 39 năm ánh sáng, có nghĩa là khá gần theo thiên văn học (phải mất 100.000 năm ánh sáng mới di chuyển hết bề ngang của dải ngân hà).
Bản thân Trappist-1 là một sao lùn cực nguội, chỉ bằng 1/10 mặt trời và tất nhiên phải tỏa ánh sáng yếu hơn mặt trời đến 200 lần. Nhiều khả năng cả 7 hành tinh của hệ sao này đều không có ngày - đêm, do một mặt của chúng luôn bị khóa về phía sao lùn, và mất từ 1 ngày rưỡi đến 20 ngày để xoay quanh Trappist-1. Bên cạnh đó, kích thước của chúng khá tương đồng so với địa cầu, với hành tinh nhỏ nhất có khối lượng bằng 75% trái đất, còn hành tinh lớn nhất chỉ nhỉnh hơn 10%, theo báo cáo trên chuyên san Nature.
Bất chấp khoảng cách quá gần với sao trung tâm, được dự đoán mới khoảng nửa tỉ tuổi, và bị khóa chặt một bên do sức hút trọng lực, Trappist-1 là một nơi đầy hứa hẹn để tìm kiếm sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh, theo nhóm nghiên cứu.
Điều này do toàn bộ 7 hành tinh giống trái đất xoay gần đó (được đánh dấu từ 1b đến 1h) đều có khả năng mang nước trên bề mặt, một trong những yếu tố chủ chốt của sự sống, với 6 hành tinh có nhiệt độ bề mặt dao động từ 0 - 100°C. Đặc biệt, trong số này có 3 hành tinh (1e, 1f và 1g) nằm ở khoảng cách vừa phải, cho phép những đại dương nước tồn tại trên bề mặt, và cũng có thể sự sống đã xuất hiện trên các hành tinh đó.
Đội ngũ chuyên gia đã bắt đầu sử dụng các kính viễn vọng lớn hơn sẵn có để nghiên cứu khí quyển của những hành tinh trên. Trong đó, sự hiện diện của khí mê tan, nước, ô xy và CO2 là những dấu hiệu có thể giúp đưa ra kết luận chắc chắn hơn về khả năng tồn tại sự sống trên các hành tinh của Trappist-1.
Tiến sĩ Gillon dự đoán họ sẽ xác định được liệu có sự sống sinh học ở hệ sao trong vòng 10 năm nữa. Ít nhất, trong năm tới, kính viễn vọng không gian James Webb sẽ được lên bệ phóng, cho phép nhóm chuyên gia có năng lực nghiên cứu mục tiêu bằng bước sóng hồng ngoại. Giáo sư Ignas Snellen của Đại học Leiden (Hà Lan), không tham gia cuộc nghiên cứu, nhận định rằng Trappist-1 không sớm thì muộn cũng sẽ cho phép sự sống xuất hiện.
Tốc độ đốt khí hydro của sao lùn này đang diễn ra hết sức chậm chạp, có nghĩa là khi mặt trời của chúng ta cháy hết nhiên liệu trong vài tỉ năm tới, nó vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, thừa thãi thời gian để góp nhặt sự sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.