(TNO) Một trường đại học Malaysia vào ngày 19.2 đã phát hiện răng của một loài khủng long ăn cá tồn tại cách đây ít nhất 75 triệu năm. Đây cũng là hóa thạch khủng long đầu tiên được tìm thấy ở Malaysia, theo AFP.
|
Một nhóm các nhà cổ sinh vật học Malaysia và Nhật Bản đã phát hiện ra hóa thạch của chiếc răng sau gần 2 năm đào bới tại bang Pahang, miền trung Malaysia. Các nhà khoa học nói rằng sẽ có nhiều khám phá nữa được tìm thấy.
“Gần đây chúng tôi đã xác định thành công sự hiện diện tàn tích của khủng long tại Pahang”, ông Masatoshi Sone, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, sau khi Trường đại học Malaya thông báo tìm thấy hóa thạch răng khủng long.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chiếc răng dài 23 mm vừa phát hiện được thuộc về một loài khủng long ăn thịt có tên gọi khoa học là spinosaurid.
Nó được tìm thấy trong đá trầm tích thuộc thời kỳ cuối của Kỷ Mesozoic cách đây từ 145 đến 75 triệu năm trước, nhóm nghiên cứu cho hay.
“Nhiều khả năng hóa thạch của các phần thân thể lớn của khủng long vẫn còn nằm tại Malaysia”, theo thông báo của nhóm nghiên cứu.
Được biết, vị trí tìm thấy chiếc răng khủng long hóa thạch được giữ bí mật cho mục đích bảo tồn.
Hoàng Uy
>> Hóa thạch khủng long đắt giá nhất thế giới?
>> Phát hiện hóa thạch khủng long khổng lồ
>> Phát hiện hóa thạch khủng long “đùi sấm sét”
>> Phát hiện hóa thạch khủng long 1 ngón tay
>> Phát hiện hóa thạch khủng long cùng trứng
>> Phát hiện hóa thạch khủng long “gà lôi”
Bình luận (0)