Phát hiện loài cá mập ma mới tại vùng biển sâu Thái Bình Dương

Khánh An
Khánh An
24/09/2024 12:07 GMT+7

Giới khoa học vừa phát hiện loài cá mập ma mới tại vùng biển sâu ngoài khơi Úc và New Zealand, được đặt tên khoa học là Harriotta avia.

Phát hiện loài cá mập ma mới tại vùng biển sâu Thái Bình Dương- Ảnh 1.

Phôi cá mập ma phát triển trong nang trứng nằm trên đáy biển cho đến khi sẵn sàng nở

ẢNH: NIWA

Hãng AFP ngày 24.9 đưa tin các nhà khoa học tại New Zealand vừa phát hiện một loài cá mập ma mới. Đây là loài cá thường hay săn mồi dưới đáy Thái Bình Dương ở độ sâu hơn 1.600 m.

Cá ma mũi hẹp Australasia được tìm thấy ở vùng nước sâu ngoài khơi Úc và New Zealand, theo các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển quốc gia (NIWA) có trụ sở tại Wellington (New Zealand).

Các mẫu vật được phát hiện trong quá trình nghiên cứu tại Chatham, một khu vực ở Thái Bình Dương trải dài khoảng 1.000 km về phía đông, gần đảo nam của New Zealand.

Cá mập ma (chimaera) có họ hàng với cá mập và cá đuối, nhưng thuộc nhóm cá có bộ xương hoàn toàn bằng sụn. Cá mập ma có đôi mắt đen ma quái và làn da mịn màng, màu nâu nhạt, không có vảy. Chúng ăn động vật giáp xác ở độ sâu lên tới 2.600 m bằng cái miệng đặc biệt.

"Những con cá mập ma như thế này phần lớn sống ở đáy đại dương", theo nhà nghiên cứu Brit Finucci tại NIWA.

Chuyên gia này đặt tên khoa học cho loài mới này là Harriotta avia để tưởng nhớ bà của mình.

"Môi trường sống khiến chúng khó được nghiên cứu và theo dõi, nghĩa là chúng ta không biết nhiều về đặc điểm sinh học hoặc tình trạng bị đe dọa của chúng, nhưng điều đó khiến những khám phá như thế này trở nên thú vị hơn", theo bà Finucci.

Trước đây, người ta cho rằng cá ma là một loài duy nhất phân bố trên toàn cầu, trước khi các nhà khoa học phát hiện ra có các loài khác biệt về mặt di truyền và hình thái.

Cảnh hiếm thấy: Cá mập bị nuốt trọn dưới đáy biển sâu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.