Địa điểm tìm thấy di tích là một chiếc ao nằm ngay cạnh con đường nối từ làng Tức Mặc tới làng La (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định). Ao này có diện tích khoảng 350m2, vốn là ruộng lúa của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, mới qua khảo sát đã phát hiện tại di tích này hàng trăm hiện vật, gồm các loại gạch ngói, một số vại, vò và các chi tiết trang trí kiến trúc bằng đất nung như uyên ương, cổ rồng, lá đề... Đặc biệt, trong đó có một số hiện vật lần đầu xuất hiện trên "lãnh địa đồ cổ" Nam Định. Đó là một chiếc bình đất nung, cao 23,5cm, chu vi 53,5cm, miệng và đế loe, cổ thon, vai xuôi, thân phình, hình dáng như búp sen. Ngoài ra, còn tìm được một đỉnh đất nung và một tiêu bản tượng uyên ương còn khá nguyên vẹn. Đầu uyên ương ngẩng cao, có các họa tiết trang trí phỏng theo đầu rồng, 2 cánh xòe rộng, đuôi hất cong về phía trước...
Hầu hết các hiện vật tìm thấy được đều có niên đại thời Trần, thế kỷ XIII - XIV, một số có niên đại thế kỷ XII. Mật độ phân bố hiện vật rất đậm đặc.
Ông Nguyễn Văn Thư cho biết, hiện bản tàng Nam Định đang hoàn chỉnh báo cáo về cuộc khảo sát này để trình Cục Di sản (Bộ VHTT), xin phép được tiến hành khảo cổ.
Theo Lao Động
Bình luận (0)