Phát hiện nhà máy ép rượu niên đại hơn 2.700 năm ở miền bắc Iraq

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
02/11/2021 10:27 GMT+7

Ngày 28.10, các nhà khảo cổ đã khai quật nhà máy ép rượu công nghiệp lâu đời nhất ở miền bắc Lưỡng Hà có niên đại hơn 2.700 năm.

Phát hiện nhà máy ép rượu này trùng hợp với thời điểm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về rượu trong giới tinh hoa của đế quốc cầm quyền Assyria, theo Reuters.

Assyria là một trong những đế chế sớm nhất trên thế giới nằm ở phía bắc của Lưỡng Hà - phần lớn lãnh thổ của Iraq và các phần đất thuộc Iran, Kuwait, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Nhà máy rượu hơn 2.700 năm tuổi được các nhà khảo cổ học phát hiện ở Dohuk, Iraq vào ngày 28.10

REUTERS

Daniele Morandi Bonacossi, Giáo sư khảo cổ học cận Đông tại Đại học Udine (Ý), cho biết: “Đây là một phát hiện khảo cổ học khá độc đáo. Lần đầu tiên ở miền bắc Lưỡng Hà, các nhà khảo cổ học có thể xác định được một khu vực sản xuất rượu thuộc dự án Khảo cổ Nineveh ở khu vực Kurdistan của Iraq".

Được khai quật tại địa điểm khảo cổ Khanis, gần tỉnh Dohuk, miền bắc Iraq, giá trị của khám phá nằm một phần trong bối cảnh lịch sử của nó, Bonacossi nói thêm.

Kinh thánh từng chỉ ra nhu cầu về rượu vang ở vương quốc Assyria ngày càng tăng, đặc biệt là giữa các thành viên của triều đình và các tầng lớp xã hội. Rượu được sử dụng trong nhiều nghi lễ khác nhau của những người giàu có. Các di tích cổ vật cũng cho thấy sự phát triển của vườn nho trong khu vực vào thời điểm đó.

Bonacossi nhận định: “Vào cuối thời kỳ đế chế Assyria tan rã, giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 7 trước Công nguyên, nhu cầu rượu vang và sản xuất rượu vang đã tăng lên đáng kể. Triều đình Assyrian yêu cầu ngày càng nhiều rượu”.

Những chiếc bồn hình vuông được người dân dùng để ép nho, lấy nước ép chảy ra những chiếc bồn hình tròn phía dưới

REUTERS

Khám phá bao gồm 14 công trình được khắc vào đá núi. Những chiếc bồn hình vuông được người dân dùng để ép nho, lấy nước ép chảy ra những chiếc bồn hình tròn phía dưới. Nước nho sau đó được thu gom trong các chum, lên men và bán trên quy mô lớn.

Địa điểm này được phát hiện bởi một nhóm các nhà khảo cổ người Ý từ trường đại học Udine hợp tác với cơ quan quản lý cổ vật ở Dohuk. Các nhóm khảo cổ đang làm việc để đưa nhà máy ép rượu cổ này vào danh sách di sản thế giới của UNESCO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.