Phát hiện nhiều lò sản xuất gốm của người Chăm thế kỷ 14-15

28/06/2018 06:22 GMT+7

Đoàn khảo cổ thu được 23.500 di vật gốm, đồ sành, dụng cụ sản xuất gốm và 4 lò sản xuất gốm của người Chăm tại di tích gò Cây Me (ở tỉnh Bình Định).

Chiều 27.6, Viện nghiên cứu Kinh Thành (Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng tổng hợp Bình Định tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích gò Cây Me (thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, TX.An Nhơn, Bình Định).
Theo PGS-TS Lại Văn Tới, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh Thành (chủ trì công tác khai quật) qua 2 hố khai quật có diện tích 100 m2 tại di tích gò Cây Me đã phát hiện 4 lo nung gốm của người Chăm, trong đó có 3 lò có dạng hình ống, không còn nguyên vẹn và 1 lò mới xuất hiện phần bầu đốt, chưa xác định được hình dạng. Các lò này được xây dựng, cải tạo và sử dụng nhiều lần theo xu hướng thu hẹp lòng và tiến lên phía trước (lò xây sau đều xây dựng trên nền và tường lò trước).
PGS-TS Lại Văn Tới (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu về các di vật thu được tại di tích gò Cây Me ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Đoàn khảo cổ thu được 23.500 di vật trong các hố khai quật. Trong đó có khoảng 19.000 di vật gốm men trắng, men nâu, gốm vẽ màu nâu sắt, 590 di vật đồ sành (gồm: bình, nồi, lon, bình vôi…), 900 vật kiến trúc, 1.500 dụng cụ sản xuất gốm, còn lại là đồ phế thải và gốm Trung Quốc có niên đại từ thế kỷ thứ 10-18.
Qua các di vật, đoàn khảo cổ đưa ra nhận định trung tâm sản xuất gốm của người Chăm tại gò Cây Me có niên đại từ thế kỷ 14-15. Tại đây có khu vực chuyên sản xuất đồ gốm cao cấp và khu vực chuyên sản xuất đồ dùng sinh hoạt hằng ngày.
PGS-TS Lại Văn Tới đề nghị tiếp tục khai quật khảo cổ tại di tích gò Cây Me để tìm hiểu rõ hơn về trung tâm sản xuất đồ gốm tại đây và vai trò của nó trong xã hội đương thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.