Vùng tìm kiếm máy bay Boeing 777 số hiệu MH370 của Malaysia mất tích tiếp tục được mở rộng trong ngày tìm kiếm thứ 3, nhưng cũng mới dừng lại ở việc phát hiện nhiều vật thể nghi vấn.
|
Mở rộng vùng tìm kiếm 126.000 km2
Hôm qua, ông Đoàn Hữu Gia, Phó tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay VN, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không, cho biết vùng tìm kiếm của 3 nước VN, Malaysia, Singapore đã mở rộng lên tới 126.000 km2 so với hôm qua, tọa độ tìm kiếm gần nhất cách mũi Cà Mau chỉ 10 km. Tham gia tìm kiếm hôm qua, phía VN có 7 tàu biển, 6 máy bay; Malaysia có 2 máy bay, 7 tàu; Singapore có 1 máy bay, 2 tàu. Trong đêm nay, tàu biển sẽ tiếp tục duy trì tìm kiếm.
|
13 giờ 26 chiều qua, Sở Chỉ huy Trung tâm cứu nạn hàng không cho biết Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo máy bay R65 của Singapore phát hiện vật thể trông giống máng trượt (máng trượt của máy bay bung ra trong trường hợp khẩn nguy, khi rơi xuống biển thì máng trượt đồng thời là xuồng cứu sinh - PV) màu vàng tại tọa độ 08016’05’’ N - 102051’11’’ S (vị trí này cách đảo Thổ Chu 140 km về phía tây nam) và yêu cầu VN hỗ trợ phương tiện đến xác minh. Trung tâm khu vực 3 đã điều 2 tàu là Hải quân HQ2003 và tàu SAR 1 ra khu vực này.
Lúc 15 giờ 20, Sở Chỉ huy cho biết tàu HQ637 báo đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của phía Malaysia, cách vị trí đảo Thổ Chu 130 km về phía tây nam. Tuy nhiên, vật thể được tìm thấy là nắp cuộn cáp đã đóng rêu, không liên quan đến máy bay bị mất tích.
Đáng chú ý, lúc 17 giờ 8, theo thông báo của Cơ quan Kiểm soát không lưu Hồng Kông, một máy bay trên đường hàng không L642 đã báo cáo với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồng Kông nhìn thấy một số mảnh vỡ lớn trên mặt biển xung quanh tọa độ 09054’18'' N - 107025’00'' E, cách Vũng Tàu phía đông nam 60 km. Tới 7 giờ tối, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc cảng vụ Vũng Tàu, cho biết một tàu container của Thái Lan đã được yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm từ 5 giờ 30 đến 6 giờ tối nhưng không thấy những mảnh vỡ. Trong khi đó, đại tá Vũ Thế Chiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết do trời tối và thời tiết không thuận lợi, tàu của Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu không thể tiếp cận khu vực nói trên, nhưng đã có thông báo đến tất cả các tàu cá của ngư dân đang hoạt động xung quanh khu vực này lưu ý tìm kiếm, thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện những vật thể này.
Đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh thổ
Cũng trong sáng qua, tại Sở Chỉ huy Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng QĐND VN, khẳng định công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích được quân đội thực hiện với quyết tâm cao nhất. Ngoài VN, hiện có nhiều nước đăng ký gửi tàu, máy bay vào tìm kiếm. Qua báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan điểm VN tạo mọi điều kiện cho các nước tham gia tìm kiếm, nhưng Bộ Quốc phòng phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hoạt động của các phương tiện, phân tầng khu vực bay, chia vùng biển tìm kiếm, thậm chí cử tàu dẫn đường, phối hợp đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh thổ. Tại cuộc họp, ông Đỗ Bá Tỵ đồng ý cho lập Sở Chỉ huy không quân tiền phương tại sân bay Cà Mau.
|
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, cho biết tính đến cuối giờ chiều qua, đã có 5 quốc gia là VN, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Mỹ vào cuộc tìm kiếm. Một số quốc gia khác trong khu vực có động thái cùng tham gia tìm kiếm, dự kiến có khoảng 6 - 7 quốc gia nhập cuộc. Trả lời về thông tin Pháp là nước đã có kinh nghiệm tìm kiếm máy bay Boeing ngỏ ý muốn tham gia tìm kiếm, trung tướng Tuấn cho biết sẵn sàng tạo điều kiện cho nước bạn. Ông cũng cho biết, Bộ Quốc phòng hiện đã cấp phép cho 2 tàu hải quân Trung Quốc mang số hiệu 999 và tàu hộ vệ Miên Dương 528 đang trên đường đến VN, trong ngày mai các tàu này sẽ vào vùng biển VN. Việt Nam sẽ cử tàu phối hợp, các tàu Trung Quốc sẽ di chuyển trong vùng biển có giới hạn, cụ thể vùng biển đã được khoanh vùng máy bay mất tín hiệu.
Ngày tìm kiếm thứ 3, Bộ Quốc phòng huy động hơn 10 máy bay với hàng chục chuyến bay, nhiều lượt tàu chuyên dụng của cảnh sát biển, kiểm ngư, huy động thêm tàu có ra đa thủy âm mang theo thợ lặn tinh nhuệ cơ động đến khu vực máy bay mất tín hiệu. Trung tướng Tuấn xác nhận, tất cả các lực lượng tìm kiếm của VN chưa vớt được vật thể nào liên quan đến vụ máy bay mất tích. “Trong ngày 11.3, Bộ Quốc phòng dự kiến điều thêm máy bay, mở rộng tìm kiếm sang khu vực phía đông đường bay của chiếc máy bay bị mất liên lạc”, ông Tuấn nói.
Vệ tinh VNREDSat-1 chụp ảnh khu vực nghi máy bay mất tích Tối qua, TS Bùi Trọng Tuyên, Viện phó Viện Công nghệ vũ trụ - Trưởng ban Quản lý Dự án vệ tinh nhỏ thuộc Viện Khoa học công nghệ VN, cho PV Thanh Niên biết sáng nay (11.3) vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1 của VN sẽ thực hiện việc chụp ảnh khu vực được cho là máy bay của Malaysia mất tích. Việc chụp ảnh dự kiến được thực hiện trong khoảng 60 phút, từ 10 giờ 30 - 11 giờ 30. Theo TS Tuyên, về lý thuyết VNREDSat-1 có khả năng phát hiện vật thể có chiều dài từ 2,5 m trở lên. Sau khi có kết quả chụp từ vệ tinh, Viện sẽ cung cấp để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thông tin phục vụ hoạt động tìm kiếm. Trường Sơn |
Đã xác định danh tính một nghi can dùng hộ chiếu giả Trong cuộc họp báo cuối ngày 10.3, Giám đốc Cục Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman - người chỉ huy toàn bộ công tác điều tra lẫn tìm kiếm của phía Malaysia - bác bỏ thông tin từ chính Bộ Nội vụ nước này nói rằng 2 người sử dụng hộ chiếu của một người Ý và một người Áo bị mất ở Thái Lan để lên chuyến bay MH370 trông giống người châu Á. Thông tấn xã Bernama trước đó trích lời Bộ trưởng Nội vụ Ahmad Zahid Hamidi nói: “Tôi thật sự choáng vì làm sao mà các nhân viên xuất nhập cảnh không hề thấy rằng một người Ý và một người Áo lại có khuôn mặt người châu Á chứ!”. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi vậy trông hai người đàn ông ấy giống người nước nào, ông Rahman lại từ chối tiết lộ. Cùng ngày, Chánh thanh tra cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết đã xác định được danh tính một trong hai người nói trên nhờ băng hình ghi được ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. “Người này không phải công dân Malaysia và cũng không phải người đến từ Tân Cương, Trung Quốc”, ông Bakar nói. Những thông tin trái ngược và “tiền hậu bất nhất” từ những quan chức cấp cao như trên khó có thể xua tan được mối hoài nghi về khả năng máy bay bị khủng bố bởi những phần tử chống chính quyền Trung Quốc, khi mà có tới 153 công dân của nước này trên chuyến bay. Trong khi đó, dư luận Trung Quốc cũng đang lo sợ khả năng không tặc và khủng bố, nhất là sau vụ đâm chém đẫm máu ở Côn Minh vừa qua. Hôm 9.3, trang tin Boxun còn đăng một bức thư nặc danh nhận trách nhiệm vụ máy bay mất tích và chỉ trích chính sách về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc. Tuy nhiên, đến ngày 10.3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein bác bỏ lá thư. Thục Minh (VP Singapore) - Văn Khoa |
Mai Hà - Lê Quân - Phan Hậu
Bình luận (0)