(TNO) Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện đang là “mùa” của bệnh thủy đậu. Đây là bệnh dễ lây lan, đặc biệt trong môi trường tập trung đông người như công sở, trường học...
Cần chủ động phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ mang thai - Ảnh: Ngọc Thắng
|
“Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận ca mắc thủy đậu trong các tuần gần đây. Riêng TP.HCM đã xuất hiện ổ dịch trong trường học”, ông Phu cho biết.
Thủy đậu do vi rút Varicella Zoter gây ra, là một trong những bệnh dễ lây nhất. Vi rút này có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh lây qua đường hô hấp do người bệnh ho, hắt hơi hoặc do dính dịch tiết từ các vết phỏng hoặc đồ vật. Khởi đầu, bệnh có triệu chứng sốt nhẹ, sau 2 - 3 ngày xuất hiện phát ban. “Do có biểu hiện sốt và xuất hiện bọng nước nên dễ nhầm thủy đậu với chốc lở, nhiễm vi rút Herpes simplex hoặc Coxasackie A”, ông Phu lưu ý.
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội: "Thủy đậu là bệnh lành tính, xử trí bằng bôi thuốc sát trùng tại chỗ. Việc điều trị không phức tạp nhưng cần theo đơn của bác sĩ. Đã có những bệnh nhân phải dùng kháng sinh do bội nhiễm viêm da sau khi tự mua thuốc điều trị”. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo và hướng dẫn: Cần vệ sinh thân thể, thay quần áo, ga đệm hàng ngày để giữ vệ sinh; tránh gây vỡ nốt phỏng để giảm nguy cơ cơ bội nhiễm, lở loét do nhiễm khuẩn. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu nếu bị thủy đậu cũng có nguy cơ cho thai nhi: sảy thai, thủy đậu bẩm sinh và bà mẹ cũng có nguy cơ bị viêm phổi do vi rút.
Các biện pháp chủ động phòng thủy đậu hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng riêng các đồ dùng sinh hoạt; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc 7 - 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan.
Bình luận (0)