Phát hiện pin tẩm chất PETN trong vụ nổ loạt bộ đàm ở Li Băng

Trí Đỗ
Trí Đỗ
20/09/2024 19:35 GMT+7

Reuters ngày 20.9 dẫn một nguồn thạo tin cho biết pin của loạt bộ đàm phát nổ ở Li Băng gần đây được tẩm một hợp chất dễ nổ có tên là PETN.

Theo Reuters dẫn nguồn thạo tin, việc vật liệu dễ nổ PETN được tích hợp vào bộ pin khiến việc phát hiện trở nên cực kỳ khó khăn. Hàng trăm máy bộ đàm, máy nhắn tin được nhóm Hezbollah ở Li Băng sử dụng đã phát nổ trong hai ngày liên tiếp khiến 37 người thiệt mạng và hơn 3.000 người khác bị thương.

Tính riêng vụ nổ bộ đàm vào hôm 18.9 đã khiến 20 người thiệt mạng và làm 450 người bị thương ở vùng ngoại ô Beirut và thung lũng Bekaa của Li Băng.

Thủ lĩnh Hezbollah: Israel đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ

Hình ảnh máy bộ đàm phát nổ cho thấy nhãn hiệu có dòng chữ "ICOM" và "made in Japan" (sản xuất tại Nhật Bản). Phía Li Băng cho biết máy bộ đàm được sử dụng trong vụ việc trên là mẫu IC-V82 ngừng sản xuất của công ty ICOM (Nhật Bản).

Tuy nhiên, phía công ty ICOM khẳng định họ đã dừng sản xuất các mẫu bộ đàm IC-V82 cách đây một thập niên và hầu hết các mẫu được lưu hành hiện nay trên thị trường đều là hàng giả.

Phát hiện pin tẩm chất PETN trong vụ nổ loạt bộ đàm ở Li Băng- Ảnh 1.

Giám đốc công ty ICOM Yoshiki Enomoto giới thiệu mẫu bộ đàm IC-V82 ngừng sản xuất trong một cuộc phỏng vấn tại Osaka (Nhật Bản) vào ngày 19.9.2024

ẢNH: REUTERS

Giám đốc ICOM Yoshiki Enomoto nói với Reuters rằng có khả năng một thiết bị ICOM cũ đã được sửa đổi để chế tạo bom. Ông Enomoto nói với đài truyền hình Fuji TV của Nhật Bản rằng sẽ rất khó để nhét một thiết bị nổ vào ngăn chính của máy bộ đàm, đồng thời cho rằng nhiều khả năng chất nổ nằm trong bộ pin có thể tháo rời.

Nguồn thạo tin từ Li Băng cho biết vụ nổ vẫn xảy ra ngay cả khi bộ pin bị tách khỏi phần còn lại của thiết bị. Trước đó, Reuters dẫn nhiều nguồn thạo tin cho hay các máy nhắn tin đã được cấy khoảng 3 gram thuốc nổ nên rất khó phát hiện.

Trong một diễn biến khác, các điều tra viên Đài Loan ngày 20.9 cũng tiến hành thẩm vấn 2 người từ các công ty ở hòn đảo này liên quan tới máy nhắn tin phát nổ do các thành viên Hezbollah ở Li Băng sử dụng. Theo AFP, các nhà điều tra Đài Loan cũng đã khám xét 4 địa điểm, bao gồm khu Xizhi ở thành phố Tân Bắc - nơi đặt trụ sở của Gold Apollo và khu Neihu ở Đài Bắc - nơi có trụ sở của Apollo Systems.

Trước đó, tờ New York Times trích dẫn các quan chức Mỹ đưa tin rằng Israel có thể đã cài chất nổ vào một lô hàng máy nhắn tin từ công ty Gold Apollo của Đài Loan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.