Các hiện vật gồm: gần 20 mộ nồi, mộ vò và mộ chum có niên đại cách đây khoảng 2.000 - 4.000 năm; các công cụ bằng đá, đồ sắt, đồ trang sức, đồ gốm như: rìu, pôn răng trâu, bàn mài, công cụ ghè đẽo, dao, đục, giáo, khuyên tai hai đầu thú điển hình của văn hóa Sa Huỳnh, nồi bát bồng, bình, vò, chum… có niên đại hơn 2.000 năm...
Theo TS Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi), kết quả khai quật bước đầu cho thấy dòng chảy văn hóa hậu kỳ đá mới từ Tây Nguyên qua dải Trường Sơn tiến về đồng bằng duyên hải, đảo cận duyên để phát triển rực rỡ lên thời đại kim khí của giai đoạn tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh.
Mộ nồi và rìu đá được tìm thấy ở vùng thung lũng sông Tang thuộc huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) - Ảnh: H.C |
Cũng theo TS Khôi, sau khi kết thúc việc khai quật khảo cổ giai đoạn 1 ở xã Trà Xinh, các nhà khảo cổ đã phát hiện thêm ở xã Trà Thọ, cách điểm khai quật cũ khoảng 5 km đường rừng có quần thể mộ táng qui mô lớn của cư dân Sa Huỳnh thời tiền sử niên đại hơn 2.000 năm, nằm cách mặt đất chừng 1m, cách mép nước sông Tang khoảng 2-5m.
Điều đáng nói, trong khi Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch cho phép khai quật khảo cổ học ở vùng thung lũng sông Tang đến ngày 15.5 mới kết thúc nhưng ngày 30.3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Quảng Ngãi hối thúc nhanh chóng giải phóng lòng hồ chứa nước Nước Trong để ngăn dòng công trình này vào ngày 5.4 khiến các nhà khảo cổ học lo lắng.
Được biết, Sở Văn hóa - Thông tin và Du lịch Quảng Ngãi đã kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin tạm hoãn thời gian ngăn dòng để tiếp tục khai quật, đưa toàn bộ di sản quí giá nằm dưới lòng đất lên trước khi ngăn dòng, nhất là quần thể mộ táng cư dân Sa Huỳnh thời tiền sử mới được phát hiện.
Hiển Cừ
Bình luận (0)