Theo ông Neil Stronach, đại diện cho chương trình Melanesia thuộc WWF thì bản báo cáo này cho thấy New Guinea là một trong những khu vực đa dạng sinh học hàng đầu thế giới. Vị trí địa lý của New Guinea khá đặc biệt vì nằm một phần ở Indonesia và phần còn lại thuộc Papua New Guinea. Đó là hệ sinh thái của thế giới ít bị tổn thương nhất trong thời buổi toàn cầu hóa này.
Theo WWF thì rừng nhiệt đới của New Guinea đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Amazon và Congo. Mặc dầu hòn đảo này chỉ chiếm 0,5% diện tích đất trên trái đất nhưng nơi này chứa đến 8% các loài sinh vật trên thế giới. Báo cáo mới đây của WWF mô tả một thập niên tìm kiếm, phát hiện sự ngoạn mục, đa sắc màu của thế giới sinh vật trên New Guinea bao gồm con bướm lớn nhất thế giới qua sải cánh 30 cm, hoặc giống chuột mà cơ thể dài đến 1m. Các nhà khoa học cũng đánh giá rằng mỗi kilomet vuông thuộc vùng rừng nhiệt đới thấp trên hòn đảo này chứa đến 150 loài chim.
Tài liệu với tiêu đề Final Frontier do WWF công bố cho thấy các nhà khoa học đã kiểm chứng để biết rằng từ 1998-2008 đã có 1.060 loài sinh vật mới được phát hiện tại New Guinea. Trong số đó có những sinh vật rất đặc biệt như loài cá mập nước ngọt dài 2,5m, loài cá heo với cái đầu tròn kèm cái mũi hếch được tìm thấy ở vùng cửa sông vào năm 2005 mà mới đây cũng được tìm thấy tại Úc.
Một trong số 134 loài ếch mới được mệnh danh Litoria sauroni vì nó nổi bật với những đốm đỏ đen trên đôi mắt (ảnh), gợi nhớ nhân vật hung ác Sauron trong bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn. Một con ếch khác bé tí xíu với cơ thể chỉ 1 cm nhưng lại có các chiếc răng nanh như ma cà rồng.
Có đến 580 loài động vật không xương sống được phát hiện mà trong đó có 9 loài ốc sên với màu sắc lạ như óng ánh sắc vàng hoặc xanh màu lá cây. Một loài không xương sống khác thuộc gia đình “yabbies” là con tôm với sắc màu sáng và dài từ 9-12 cm.
Bản báo cáo của WWF cũng cho biết phát hiện 71 loài cá mới sống quanh rặng san hô Milne Bay thuộc New Guinea, chúng rực rỡ như kính vạn hoa. Trong số 43 loài bò sát được phát hiện thì có một loài rắn hiền nhất thế giới với chiều dài cơ thể 12-14 cm, nó bị mù, không cắn người và cũng không có nọc độc.
Bên cạnh niềm vui khi phát hiện sự đa dạng sinh học thì nỗi buồn cũng đi kèm vì các nhà khoa học thuộc WWF cảnh báo rằng môi trường sống của các loài sinh vật đang bị đe dọa trên đảo New Guinea giống như Amazon và Borneo vì sự khai thác gỗ trái phép, việc xây dựng đường giao thông cũng như cách đánh bắt cá vô tội vạ. Đó là chưa kể ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu làm nước mặn xâm nhập nhiều hơn vào môi trường ven biển. (Theo Physorg)
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)