Tại hố đào ở khu vực gò Ông Tỵ, đoàn khai quật đã phát hiện 2 lớp kiến trúc chồng lên nhau. Lớp thứ nhất có nhiều đầu ngói ống, gạch Chăm... nằm sát lớp đất nền; lớp thứ hai là một nền móng tháp nhưng chưa xác định được quy mô, xuất lộ lối đi vào cửa chính và lối đi rẽ theo bờ tường tháp. Hố khai quật thứ hai cách hố thứ nhất khoảng 5 m xuất lộ nền móng kiến trúc tháp hình chữ nhật rất rõ, diện tích khoảng 25 m2. Tại hố khai quật này còn dấu vết nền móng bờ tường gạch khá nguyên vẹn. Hố khai quật thứ ba là một lớp cắt tường thành mặt bắc thành Cha, giáp với sông Tân An (một nhánh của sông Côn). Hố thứ tư chỉ phát hiện được gạch, ngói... bị vỡ vụn của người Chăm Pa. Đoàn khai quật còn thu thập được rất nhiều hiện vật kiến trúc, đồ gốm thời kỳ Sa Huỳnh muộn và Chăm Pa sớm, 1 mũi giáo kim loại rất nặng...
Theo hồ sơ di tích, thành Cha (được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia vào năm 2003) là trung tâm chính trị, quân sự của châu Vijaya và sau đó đóng vai trò là kinh đô của Vương quốc Chăm Pa trong thời kỳ cuối thế kỷ 10, đầu thế kỷ 11. Trong đợt khai quật thành Cha lần thứ nhất (cuối năm 2015), các nhà khoa học đã phát hiện được nền móng kiến trúc của đền thờ và thu thập gần 6.700 di vật.
Bình luận (0)