Phát hiện tinh trùng khổng lồ, cổ xưa nhất Trái đất trong hổ phách hiếm Myanmar

16/09/2020 12:00 GMT+7

Các nhà cổ sinh vật học vừa tìm được tinh trùng động vật cổ xưa nhất, nằm bên trong một động vật giáp xác nhỏ xíu bị chôn vùi trong hổ phách của Myanmar khoảng 100 triệu năm trước.

Số tinh trùng trên được tìm thấy bên trong một cá thể thuộc nhóm loài ostracod, dạng động vật giáp xác đã tồn tại khoảng 500 triệu năm và hiện có mặt tại các đại dương của thế giới, theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the Royal Society.
Chúng được phát hiện bên trong cơ thể của một con cái, cho thấy con vật ắt hẳn vừa được thu tinh trước khi bị khóa chặt trong hổ phách, giới chuyên gia cho biết.
Càng thú vị hơn nữa, số tinh trùng có kích thước “khổng lồ”, to gấp 4,6 lần so với kích thước cơ thể của con cái.
“Điều này tương đương với khoảng 7,3m bên trong một người cao 1,7m, vì thế cần rất nhiều năng lượng để sản sinh ra chúng”, AFP dẫn lời tiến sĩ Renate Matzke-Karasz của Đại học Ludwig Maximilian ở Munich (Đức), đồng tác giả báo cáo.
Con ostracod vừa tìm được cũng đại diện cho loài giáp xác mới, và được đặt tên là "Myanmarcypris hui".
Trong giai đoạn Kỷ Phấn Trắng, từ khoảng 145 đến 66 triệu năm trước, loài ostracod trên có lẽ đã sống ở vùng duyên hải ngày nay thuộc Myanmar, trước khi bị nhựa thông rơi trúng và trở thành hổ phách.
Đa số con đực của các giống loài trên thế giới (bao gồm loài người) đều sản sinh hàng chục triệu tế bào tinh trùng nhỏ, nhưng đối với nhóm loài ostracod, chất lượng quan trọng hơn số lượng, khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi về giá trị tiến hóa của các tinh trùng có kích thước khổng lồ này.
Trước đó, mẫu hóa thạch tinh trùng động vật cổ nhất được xác định 17 triệu năm tuổi, theo nhóm của tiến sĩ Wang He thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Nam Kinh (Trung Quốc).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.