Việc phát hiện ra bức Đấng cứu thế (sơn dầu, 66x47 cm) có ý nghĩa rất lớn với lịch sử hội họa. Tính nguyên bản của tuyệt tác này là khá cao khi ARTnews cho biết nó được giáo sư nghệ thuật học - Martin Kemp, thuộc Đại học Oxford xác nhận. Ông Kemp, chuyên gia uy tín nghiên cứu về Leonardo da Vinci và là người trước đây chứng minh thành công bản gốc tác phẩm Chân dung người phụ nữ với con chồn trắng của da Vinci.
Leonardo vẽ bức Đấng cứu thế vào khoảng 1506-1513 theo đơn đặt hàng của vua Pháp Louis XII (1462-1515). Bức tranh vẽ Chúa Jesus, tay phải đang giơ lên làm dấu thánh, tay trái đang cầm trái đất, biểu tượng quyền lực.
|
Nhưng theo tài liệu, người sở hữu tuyệt tác này là vua Anh Charles I (1600 - 1649). Sau khi Charles I qua đời, Đấng cứu thế được chuyển giao cho Charles II (1630 - 1685). Sau đó bức tranh mất tích không để lại dấu vết. Tuy thế, vào giữa thế kỷ 19, tuyệt tác này lại xuất hiện trong bộ sưu tập của Frances Cook, người sở hữu tranh của các danh họa như Rembrandt, Jan van Eyck, Velazquez. Có lẽ Cook không biết rõ giá trị thật của Đấng cứu thế, nên sau khi ông qua đời, lúc triển lãm bộ sưu tập của Cook, người ta ghi chú tác giả bức tranh là họa sĩ vô danh người Milan (khoảng năm 1500). Sau đó đến năm 1958, tác giả bức tranh được gán cho Giovanni Boltraffio, học trò của da Vinci và được nhà đấu giá Sotheby's bán với giá 45 bảng Anh.
Không khó để hình dung rằng Cook và các chuyên viên thẩm định tranh không nhận ra bức Đấng cứu thế của da Vinci. Điều này là dễ hiểu, bởi tranh của các họa sĩ bậc thầy, sau vài trăm năm tồn tại, nhiều lần được phục chế và mỗi lần như thế lớp màu mới làm cho bản gốc ngày càng mờ nhạt. Không rõ ai đã mua lại tuyệt tác này, nhưng vào năm 2004, Robert Simon - một người buôn bán tranh ở New York, đã phát hiện Đấng cứu thế tại một cuộc bán đấu giá. Simon nghi ngờ trước mắt ông là tuyệt tác của da Vinci nên bỏ tiền ra mua lại.
Sau nhiều năm, khi những lớp màu của mỗi lần phục chế được bóc tách, Simon đưa Đấng cứu thế vào Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, rồi Bảo tàng Mỹ thuật Boston ở Massachusetts và sau đó là Phòng trưng bày quốc gia London, Anh. Đại diện tại những nơi này từ chối đưa ra những thông tin chính thức về tính gốc của Đấng cứu thế. Tuy thế, các cuộc thăm dò của ARTnews với các chuyên gia thẩm định (giấu tên) và các chuyên gia của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đều cho rằng đây chính là tuyệt tác của da Vinci. Vào tháng 11 năm nay, bức tranh này sẽ được giới thiệu tại Triển lãm tranh Leonardo da Vinci ở Phòng trưng bày quốc gia London.
Có thông tin cho biết chủ nhân của Đấng cứu thế sẽ bán nó với giá 200 triệu USD. Còn Robert Simon lại phủ nhận tin này và nói bức tranh không phải để bán. Nhưng trước khi muốn bán bức tranh, cần phải chứng minh ai là người vẽ Đấng cứu thế. Xem xét diễn biến của câu chuyện, có quá nhiều điểm đáng ngờ. Nếu đó là tuyệt tác thì tại sao suốt từ năm 2004 đến nay, chủ nhân của nó lại giữ bí mật đến như thế? Hơn thế, chưa có các khảo cứu, phân tích mang tính khoa học đủ để khẳng định Đấng cứu thế là của da Vinci. Không ít người cho rằng đây chỉ là “chiêu tiếp thị” hơn là “một cú lừa”.
Bảo Quyên
Bình luận (0)