(TNO) Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phát hiện một đám mây bụi bao quanh mặt trăng. Phát hiện này có thể giúp lý giải nguồn gốc của những vệt ánh sáng kỳ lạ mà các nhà du hành Apollo từng nhìn thấy, theo Daily Mail.
Tàu thăm dò mặt trăng LADEE của NASA - Ảnh chụp màn hình NASA |
Vành đai bụi nằm nghiêng so với mặt trăng, nó không mất đi mà tồn tại vĩnh viễn ở đó, theo NASA. Thậm chí, nó còn có thể đe dọa các nhà du hành khi bay ngang qua.
NASA đưa ra kết luận sau khi phân tích các dữ liệu gửi về từ tàu thăm dò mặt trăng LADEE. Tàu được phóng vào tháng 9.2013, với sứ mệnh nghiên cứu môi trường bụi và khí quyển mặt trăng. LADEE phá hiện đám mây bụi nhờ thiết bị dò tìm LDEX do Đại học Colorado Boulder (Mỹ) chế tạo. Nó kết thúc sứ mệnh vào tháng 4.2014, sau khi lao xuống mặt trăng.
"Biết chính xác nơi xuất hiện và hướng di chuyển của bụi vũ trụ trong hệ mặt trời có thể giúp giảm thiểu mối nguy hiểm cho các nhà du hành trong tương lai. Những hạt bụi có thể làm hỏng tàu vũ trụ hoặc gây nguy hiểm cho phi hành gia", giáo sư Mihaly Horanyi của Đại học Colorado Boulder (Mỹ) cho biết.
Trái đất nhìn từ mặt trăng - Ảnh chụp màn hình NASA |
Vành đai bụi chủ yếu cấu thành từ những hạt bụi nhỏ bị cuốn lên từ bề mặt mặt trăng. Số khác hình thành do sao chổi va chạm với mặt trăng, theo Daily Mail.
"Đây thực sự là một món quà thú vị trong sứ mệnh này. Chúng ta có thể tiến hành nghiên cứu để phát hiện mây bụi trên các tiểu hành tinh hay mặt trăng của hành tinh khác", giáo sư Horanyi nói thêm.
Những dấu hiệu đầu tiên về vành đai bụi quanh mặt trăng xuất hiện vào những năm 1960, khi một tàu thăm dò không người lái của NASA chụp được những vệt sáng lúc mặt trời lặn trên mặt trăng.
Vành đai bụi là một trong những nguyên nhân làm nên mưa sao băng Geminids (mưa sao băng Song Tử). Hiện tượng xảy ra khi bụi vũ trụ hay thiên thạch bay đến gần Trái đất và bị lực hấp dẫn của hành tinh kéo vào khí quyển. Chúng lao xuống mặt đất với vận tốc 30 - 50 km/giây và bị đốt cháy khi ma sát với không khí.
Bình luận (0)