Phát hiện ‘vật thể giống sao’ nhỏ nhất trên vũ trụ

Khánh An
Khánh An
01/01/2024 10:21 GMT+7

Một sao lùn nâu thuộc dạng vật thể kỳ lạ hàng đầu trong vũ trụ vừa được viễn vọng kính James Webb phát hiện trong chòm sao IC348.

Phát hiện ‘vật thể giống sao’ nhỏ nhất trên vũ trụ- Ảnh 1.

Khu vực trung tâm chòm sao IC348 với 3 ngôi sao lùn nâu

NASAO

Viễn vọng kính James Webb của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa lập kỷ lục mới về việc phát hiện vật thể giống sao nhỏ nhất trong không gian, khi phát hiện một sao lùn nâu nhỏ trong chòm sao IC348, theo trang Insider mới đây đưa tin.

Giới khoa học vốn thiếu thông tin để xác định và phân loại sao lùn nâu, nhưng phát hiện mới cung cấp thêm thông tin về thiên thể này.

"Vật thể nhỏ nhất trong số những vật thể mới mà chúng tôi tìm thấy có khả năng là sao lùn nâu trôi nổi tự do có khối lượng nhỏ nhất từng được quan sát cho đến nay", theo giáo sư thiên văn học Kevin Luhman tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ).

Ông Luhman là tác giả chính của một nghiên cứu ghi lại những phát hiện mà nhóm vừa công bố trên chuyên san The Astronomical Journal.

Giới thiên văn học đã nghiên cứu không gian qua nhiều thiên niên kỷ, nhưng vẫn chưa xác định cách hình thành của các thiên thể ít được biết đến hơn như sao lùn nâu. Do đó, họ quyết định tìm câu trả lời trong chòm sao IC348.

Chòm sao này cách trái đất 1.000 năm ánh sáng và nằm trong khu vực hình thành sao Perseus. IC348 đã tồn tại khoảng 5 triệu năm, do đó các sao lùn nâu có khả năng phát ra tia hồng ngoại.

Trong chòm sao này, giới thiên văn phát hiện các sao lùn nâu, trong đó sao lùn nâu nhỏ nhất có kích thước lớn hơn khoảng 3-4 lần so với sao Mộc.

Theo trang Business Insider, sao lùn nâu là một trong những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ. Hầu hết các vật thể chúng ta nhìn thấy ngoài không gian đều ở dạng hành tinh, tinh vân, sao hoặc hố đen.

Tuy nhiên, sao lùn nâu không thuộc những loại này. Chúng không đủ lớn để xếp loại ngôi sao nhưng lớn hơn hầu hết các hành tinh, nên được mô tả là thiên thể "giống sao", nhưng đủ lớn để tạo điều kiện hợp nhất với deuteri, phát ra nhiệt và ánh sáng giúp các viễn vọng kính như James Webb có thể phát hiện.

"Vì thiếu phản ứng tổng hợp hydro nên các sao lùn nâu tương đối mát và phát sáng mạnh nhất ở bước sóng hồng ngoại. Do đó, viễn vọng kính hồng ngoại như James Webb là lựa chọn tốt nhất để cố gắng phát hiện các sao lùn nâu mới", theo ông Luhman.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.