Ông Margono tiết lộ thông tin trên trong cuộc họp báo hôm qua 22.4, trong lúc lực lượng cứu hộ tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala-402 chở 53 người mất tích khi tham gia cuộc tập trận ở vùng biển cách đảo Bali khoảng 96 km hôm 21.4. Ông Margono cho hay sau khi phát hiện vật thể chưa xác định, lực lượng cứu hộ đang chờ một tàu hải quân có thiết bị dò tìm dưới nước đến khu vực để có thể điều tra thêm, theo tờ The Guardian.
Phát ngôn viên hải quân Indonesia, Julius Widjojono hôm qua cho hay các đội tìm kiếm tập trung vào khu vực xung quanh vết dầu loang được phát hiện gần nơi tàu lặn hôm 21.4, nhưng vị trí chính xác của chiếc tàu vẫn chưa được xác định, theo AFP.
The Guardian dẫn thông báo hôm 21.4 từ hải quân Indonesia cho hay tình trạng mất điện đã xảy ra trong lúc tàu KRI Nanggala 402 lặn, khiến tàu mất kiểm soát và không thể tiến hành các thủ tục khẩn cấp cho phép tàu nổi lên.
Hải quân Indonesia hôm 21.4 còn cho rằng tàu KRI Nanggala 402 có thể đã chìm ở độ sâu 600 - 700 m, trong khi tàu chỉ có thể chịu đựng được độ sâu từ 250 - 500 m. Phó đô đốc Antoine Beaussant thuộc hải quân Pháp nhận định nếu chìm ở độ sâu 700 m, rất có khả năng tàu KRI Nanggala 402 sẽ bị vỡ.
Ông Ahn Guk-hyeon, làm việc tại Công ty Kỹ thuật hàng hải và đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc, đơn vị tân trang tàu KRI Nanggala 402 từ năm 2009-2012, cho rằng chiếc tàu ngầm này có thể gãy vụn nếu tàu ở độ sâu hơn 200 m. Ông Ahn cho biết thêm công ty của ông đã nâng cấp nhiều cấu trúc và hệ thống bên trong tàu KRI Nanggala 402, nhưng thiếu thông tin gần đây về tàu này.
Ngoài ra, Thư ký Viện Nghiên cứu tàu ngầm Úc Frank Owen, nhận định tàu KRI Nanggala 402 có thể nằm ở độ sâu vượt tầm hoạt động của đội cứu hộ. Ông Owen còn cho rằng chiếc tàu ngầm này có thể được trục vớt từ độ sâu 500 m mà không gây thiệt hại gì nhưng không nhận định liệu tàu có bị nổ ở độ sâu 700 m hay không.
Hôm 22.4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ đạo nỗ lực tối đa nhằm tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Giới tướng lĩnh nước này cho biết nguồn ô xy trên tàu chỉ còn đủ cung cấp đến ngày 24.4.
Tàu ngầm KRI Nanggala 402 là một trong 2 chiếc thuộc lớp tàu ngầm tấn công Cakra, tức tàu ngầm Type 209 do Đức sản xuất và xuất khẩu, được Indonesia biên chế vào năm 1981.
Tàu ngầm này dài 59,5 m, rộng nhất 6,2 m, có độ choán nước khi lặn là 1.390 tấn. Tàu hoạt động bằng động cơ diesel-điện, tốc độ hành trình khi lặn là 21,5 knot (gần 40 km/giờ), tầm hoạt động 15.200 km.
Bình luận (0)