Tờ Independent ngày 1.7 đưa tin sinh viên Morgan Vague thuộc khoa sinh học tại Đại học Reed (bang Oregon, Mỹ) vừa phát hiện loài vi khuẩn có thể “ăn” nhựa và biến vật liệu khó phân hủy này thành chất ít gây hại hơn cho môi trường.
Vi khuẩn này có thể phân hủy polyethylene terephthalate (PET), một trong những vật liệu nhựa được sử dụng phổ biến trong quần áo và bao bì thực phẩm nhưng mất nhiều thế kỷ mới có thể phân hủy.
Nếu tốc độ phân hủy của vi khuẩn được gia tăng, đây có thể là giải pháp cho vấn đề đang cấp bách của Trái đất, khi hàng trăm triệu tấn rác thải nhựa được chôn hoặc thải ra đại dương hằng năm. Mỗi năm thế giới thải ra môi trường 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ khoảng 10% được tái chế.
“Khi biết về số liệu rác thải nhựa, em nhận thấy ngay đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng và cần phải có giải pháp”, Vague nói.
Sau khi học về sự trao đổi chất của vi khuẩn, nữ sinh này quyết định tìm vi khuẩn có thể phân hủy nhựa trong đất và nước qua các nhà máy lọc dầu tại quê hương cô ở Texas.
Các mẫu vi khuẫn được đưa đến trường đại học để thử nghiệm để truy tìm lipase, một loại enzyme có thể phân hủy nhựa. Khoảng 20 loại vi khuẩn sau đó được chọn lọc lại và chỉ có 3 loại có mức enzyme cao nhất.
Những vi khuẩn này sau đó được nuôi trong môi trường chỉ có nhựa và vật liệu này bị phân hủy đáng kể.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tại trường, Vague đang tìm cách tăng tốc độ sản sinh enzyme của những vi khuẩn này cũng như cho chúng phân hủy các loại nhựa khác.
Giáo sư John McGeehan tại Đại học Plymouth (Anh) cho rằng Vague có thể đã tìm ra một dòng vi khuẩn mới có thể phân hủy nhựa PET. Dù đây chỉ mới là bước đầu nhưng phát hiện này hứa hẹn giải quyết vấn đề khủng hoảng thừa rác thải nhựa trên thế giới, ông nói.
|
Bình luận (0)