Phát huy giá trị hò khoan Lệ Thủy

31/08/2017 08:00 GMT+7

Việc hò khoan Lệ Thủy (Quảng Bình) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho thấy những giá trị to lớn của loại hình nghệ thuật dân gian này.

Theo các nhà nghiên cứu, hò khoan Lệ Thủy là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, ra đời từ trong quá trình lao động sản xuất; mang đậm đặc trưng của vùng chiêm trũng và sông nước. Có gần 20 hình thức lao động khác nhau có diễn xướng hò khoan Lệ Thủy, như: chèo thuyền, giã vôi, nện đất, cất nhà, giã gạo, cấy lúa, gặt lúa, cày ruộng, đám cưới, đám ma, đánh cá, kéo gỗ, thợ nề, đẩy thuyền... Không có tài liệu nào ghi lại thời điểm ra đời của hò khoan Lệ Thủy, người Lệ Thủy chỉ biết khi sinh ra và lớn lên đã nghe ông bà, cha mẹ hò khoan với những lời ru mượt mà. Mỗi người con xứ Lệ lớn lên trong những điệu hò khoan, mỗi khi vui hay buồn lại cất tiếng hò khoan và đến khi mất đi được hò khoan đưa tiễn.
Hò khoan Lệ Thủy bao giờ cũng có hò cái và hò con; hò cái là người lĩnh xướng, hò con là người xố. Điều đặc biệt, hò khoan Lệ Thủy mang tính tập thể rất cao, thường thì một hoặc một vài người lĩnh xướng còn số đông đế, xố, phụ họa theo những cách riêng của từng làn điệu. Cũng không có phân biệt diễn viên với khán giả, chỉ có hò cái và hò con, cái hò thì con xố và vai diễn này cũng không cố định, lúc này họ là hò cái và lúc sau họ lại đóng vai trò hò con. Tất cả đều là nghệ sĩ, cách diễn xướng này làm cho ai cũng sảng khoái. Và thế nên dù chưa biết nhưng ai cũng có thể tham gia hò khoan được.
 Khai trương CLB hò khoan trong trường học
Khai trương CLB hò khoan trong trường học
Trong dân gian có nhiều lối hò, như: hò nhân nghĩa, hò giao duyên, hò xa cách, hò đâm bắt; mỗi kiểu hò có thể có nhiều làn điệu. Thế nên bất cứ làm việc gì và ở đâu, người Lệ Thủy cũng có thể hò khoan được. Hiện trên địa bàn huyện có trên 1.300 người đang trình diễn hò khoan. Thời gian gần đây, các cấp chính quyền và các tổ chức, đoàn thể địa phương luôn chú trọng khôi phục, giữ gìn và phát huy giá trị hò khoan. Trao đổi với PV, ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Lệ Thủy là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Nói đến văn hóa Quảng Bình nói chung và văn hóa Lệ Thủy nói riêng, không thể không nhắc đến Hò khoan Lệ Thủy. Đây là món ăn tinh thần bao đời nay của người dân. Trong 2 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22, 23 vừa qua, Huyện ủy đã đưa vào Nghị quyết nhằm chỉ đạo việc bảo tồn và phát triển các làn điệu hò khoan Lệ Thủy. Hiện đã thành lập được 206 CLB hò khoan tại các thôn, bản, tổ dân phố; 68 CLB hò khoan của các trường học; 1 CLB nghệ nhân hò khoan cấp huyện. Từ năm 2012 Phòng GD-ĐT huyện đã đưa hò khoan Lệ Thủy vào giảng dạy ở các trường học trên địa bàn”.
Theo ông Lê Văn Bảo, trong thời gian tới UBND H.Lệ Thủy sẽ tăng cường sự quản lý, đầu tư của Nhà nước kết hợp với vận động xã hội hóa và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong huyện về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hò khoan Lệ Thủy. Xây dựng Lệ Thủy trở thành điểm du lịch hấp dẫn của phía nam tỉnh. Mở rộng giao lưu quảng bá hò khoan Lệ Thủy đến với công chúng trong và ngoài tỉnh.
Hò khoan Lệ Thủy xuất xứ từ thể loại thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, hay từ thể thơ song thất lục bát; ngoài ra còn kết hợp với lối kể vè, tự sự cho nên có những câu hò 30 - 50 chữ. Có 5 làn điệu hò cơ bản (có tài liệu nói 6 hoặc 9), dân gian gọi là mái: mái xắp, mái nện, mái chè, mái ruổi, mái ba. Mỗi làn điệu có tiết tấu âm nhạc, cách ngắt câu, lớp xố khác nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.