Phạt nặng lựa chọn giới tính thai nhi: Chọn giới tính để làm ăn phát đạt?

17/11/2020 19:31 GMT+7

Những câu chuyện bi hài về việc can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi của không ít cặp vợ chồng trẻ muốn có con trai để nối dõi tông đường, muốn làm ăn phát đạt nên phải chọn giới tính của con theo lời thầy bói…

Một trong những quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ 15.11.2020) đã quy định về xử phạt với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Người viết đã có cuộc trao đổi với các cặp vợ chồng trẻ về quan điểm có quan trọng trai hay gái khi quyết định sinh con. Nhiều câu chuyện bi hài về chuyện lựa chọn giới tính cho con được các cặp vợ chồng trẻ kể lại.

“Sinh con trai vào ngày đó, tháng đó, năm đó mới làm ăn được…”

Khi được hỏi về việc có quan trọng sinh con trai hay gái, chị Trần Thị Tuyết Lan (32 tuổi, TP.HCM) cho biết chị Lan và chồng đều thích sinh con gái: “Mọi người đều thích sinh con trai để nối dõi tông đường, nhưng nói thật lúc mình mang bầu thì cả gia đình chồng đều muốn mình sinh con gái. Tụi mình không quan niệm phải sinh con trai và gia đình chồng cũng nói sinh con gái ra nuôi dạy dễ hơn”.

Theo chị Lan xã hội bây giờ phát triển hơn, sống thoải mái hơn và suy nghĩ con người có phần tiến bộ hơn nên cũng có một số gia đình hiểu về vấn nạn “nối dõi” này. Nên cũng ít bắt ép phụ nữ phải sinh cho tới khi nào có con trai thì thôi.

“Một số gia đình lựa chọn giới tính thai nhi theo mình biết là một phần muốn có con trai nối dõi, một phần do gia đình nghe theo thầy phán sinh con trai hoặc gái năm đó, tháng đó, ngày đó, giờ đó thì gia đình làm ăn khấm khá. Rồi sau này con lớn lên sẽ tốt số, sung sướng này nọ. Đây là trường hợp thật của người bạn mình, lựa chọn giới tính thai nhi sau 2 lần mang thai mới được như ý”, chị Lan chia sẻ.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay cho rằng con cái là của trời cho nên dù trai hay gái cũng được, miễn sao con lớn lên khỏe mạnh đã là hạnh phúc

PHÚ QUÍ

Kể về câu chuyện của bạn mình, chị Lan buồn bã nói: “Vợ chồng bạn mình làm về bất động sản. Lấy nhau tính thời gian sinh con rõ ràng, năm nào sinh con và sinh trai hay gái, ngày giờ như thế nào để công việc của vợ chồng may mắn. Còn không sẽ không như ý và làm ăn thất bại”.

Chị Lan cho biết hai vợ chồng đứa bạn tính toán kỹ lắm rồi mới để có thai, nhưng lại chẳng may là con gái, thế là chồng bắt vợ đi phá khi thai 22 tuần tuổi.

“Bạn mình thương con, sợ mang tội phá thai nên trốn đi. Hơn 2 tháng sau quay về thì thai đã quá lớn không thể bỏ nên vợ chồng buộc phải giữ lại. Nhưng anh chồng dằn vặt bạn mình dữ lắm. Rồi mọi chuyện cũng qua, bạn mình sinh ra cô công chúa rất đẹp. Nhưng anh chồng từ lúc vợ bỏ đi thì phần lo cho vợ, phần tức vợ không nghe theo mình nên ăn nhậu bê tha, công việc bỏ bê đến đà gần phá sản”, chị Lan nhớ lại.

Trong mạch cảm xúc, chị Lan kể tiếp: “Sinh bé đầu xong gần 2 tháng, anh chồng lại nghe nói qua năm sinh tiếp đứa nữa là con trai thì anh mới vực dậy được kinh tế. Thế là bắt bạn mình sinh đứa nữa khi đứa đầu mới 2 tháng tuổi. Cuối cùng cũng là con trai, nhưng cũng không khá hơn về kinh tế. Bây giờ con cái lớn lên mỗi đứa 1 nơi, không được ở gần ba mẹ vì do làm ăn thất bại nên hai vợ chồng dắt nhau bỏ đi làm ăn xa”.

"Con cái là của trời cho"

Nhìn nhận từ câu chuyện của bạn mình, chị Lan bày tỏ: “Con cái giờ bơ vơ, đứa sống với nội, đứa ở với dì, nhìn cảnh đó mà xót lòng lắm. Con cái là trời cho, dù trai hay gái cũng chỉ mong con khỏe mạnh, bình an mà lớn lên. Chứ nghe thầy bà phán này nọ, làm khổ đầu tiên là người phụ nữ của mình rồi đến thế hệ sau. Vì vậy với mình là không nên lựa chọn giới tính thai nhi vì tính nhân đạo của con người”.

Đồng quan điểm với chị Lan, chị Phan Ngọc Hồng Châu (35 tuổi, TP.HCM) bày tỏ: “Đối với mình thì trai hay gái không quan trọng lắm. Ngày xưa người ta thường nói gái gả đi về nhà chồng rồi nên không nhờ được, chỉ mong con trai báo hiếu. Nhưng ngày nay xã hội tiên tiến rồi, phụ nữ họ cũng rất độc lập về tài chính, họ vẫn có thể chăm sóc cha mẹ được nếu họ thật sự muốn. Vợ chồng mình thì may mắn có đủ nếp đủ tẻ nên cũng không có cảm giác phải can thiệp chọn lựa giới tính cho con”.

Gia đình chị Châu hạnh phúc vì con cái sinh ra khỏe mạnh và khôn lớn nên người

NVCC

Nhưng chị Châu khẳng định giả sử không có đủ nếp đủ tẻ chị cũng không can thiệp để chọn giới tính cho con. Vì chị Châu khẳng định: “con cái là do trời cho, cái gì đến tự nhiên vẫn tốt hơn”.

“Nhưng mình biết nhiều người vẫn đang mong mỏi trai hoặc gái theo nhiều cách. Có người chọn chích thuốc kích trứng rụng theo đúng chu kỳ, và cái này là em mình có làm nhưng không hiệu quả. Rồi các dung dịch giúp sinh bé trai, bé gái bán tràn lan trên mạng. Nói là tạo môi trường axit/bazơ để sinh trai/gái theo ý muốn, nhưng mình biết thực tế ở nước ngoài dung dịch đó người ta dùng cho những cặp hiếm muộn, giúp dễ thụ thai thôi, chứ không hề tác động quyết định giới tính của thai nhi được. Và các chuyên gia cũng khuyên không nên dùng”, chị Châu bày tỏ.

Trai hay gái không quan trọng lắm. Ngày xưa người ta thường nói con gái gả đi về nhà chồng rồi nên không nhờ được, chỉ mong con trai báo hiếu. Nhưng ngày nay xã hội tiên tiến rồi, phụ nữ họ cũng rất độc lập về tài chính, họ vẫn có thể chăm sóc cha mẹ được nếu họ thật sự muốn

Trịnh Thị Mỹ Linh, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, kể về câu chuyện của mình, Linh nói: “Mình cưới chồng là con trai một, nên lúc đầu bố mẹ chồng rất áp lực chuyện mình phải sinh được con trai, mặc dù ông bà không nói thẳng nhưng cứ thấy đứa bé trai nào là nói mình sau này phải sinh được đứa như vậy. Thật sự là mình áp lực đến mức đã có lúc nghĩ đến chuyện can thiệp để có được con trai”.

Nhưng rồi Linh cho biết con cái là chuyện của trời, trời cho thế nào thì hay thế đó. Chính vì thế mà Linh đã để tự nhiên và may mắn là đứa con đầu tiên của Linh là con trai.

“Mình nói thật, xã hội bây giờ tiên tiến rồi, các cặp vợ chồng trẻ như mình không còn quan niệm chuyện là con trai hay con gái, miễn sao con được sinh ra mạnh khỏe, mau ăn chóng lớn. Chỉ có điều ba mẹ chồng vẫn còn nặng chuyện nối dõi tông đường, nên thường vô tình tạo áp lực cho con cái mình. Lúc đó dù để tự nhiên nhưng mình sợ đến mức ngày mai đi siêu âm là nguyên đêm này mình không ngủ được, vì sợ. Mình chỉ sợ lỡ đâu là con gái thì không biết gia đình chồng sẽ như thế nào, rồi lại áp lực cho lần sinh thứ 2 của mình”, Linh bày tỏ.

Và Linh thẳng thắn chia sẻ: “Thời buổi này chỉ cần có được đứa con khỏe mạnh thông minh là điều may mắn mà ông trời dành cho rồi. Vì tỷ lệ vô sinh hiện nay cũng không phải là thấp, nên chúng ta không nên khuyến khích nhưng hành động lựa chọn giới tính thai nhi”.

Một trong những quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ 15.11.2020) đã quy định về xử phạt với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.
Trong đó, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi: đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực ép buộc người khác áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
Đặc biệt, phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi; cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi; nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
Ngoài ra, có thể bị phạt đến 20 triệu đồng với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.