Phụ huynh (PH) của học sinh (HS) nói trên chỉ là 1 trong số 226 (HS) vừa bị CSGT ở địa phương này xử lý khi điều khiển xe máy dung tích trên 50 cc đến trường.
Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Nguyễn Công Sơn, Đội trưởng Đội CSGT - TT Công an Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng), cho biết hiện nay việc HS chưa đủ 18 tuổi chạy mô tô có dung tích trên 50 cc đến trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Trung tá Nguyễn Công Sơn nói rằng đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do HS điều khiển xe máy phân khối lớn, chạy ẩu… Thậm chí, có trường hợp khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các HS này còn tăng tốc bỏ chạy.
Phụ huynh cần nhận thấy trách nhiệm
Nhiều bạn đọc (BĐ) rất đồng tình với cách xử lý của lực lượng CSGT ở Đà Nẵng, vì cho rằng HS chưa đủ tuổi điều khiển xe máy phân khối lớn (trên 50 cc) là đã vi phạm luật Giao thông đường bộ, trong đó có một phần trách nhiệm của PH khi giao phương tiện cho con em mình.
Hai học sinh THPT điều khiển xe máy dung tích trên 50 cc đến trường bị Công an Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) phát hiện, xử lý |
N.H |
“Có thể không ít PH viện dẫn nhiều lý do cho việc làm này, như muốn con cái chủ động hơn, không có thời gian đưa đón con đến trường; vì con đòi hỏi cho “bằng bạn, bằng bè”; nhận thức pháp luật kém; thấy PH khác làm thì làm theo… nhưng những lý do này không thể biện minh cho hành vi sai trái. HS chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, chưa được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện được điều khiển, không chỉ gây nguy hiểm cho chính HS đó, mà còn có thể gây ra tai nạn cho người khác. Chưa kể, trong độ tuổi dậy thì, mà nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo là “tuổi nổi loạn”, HS rất dễ bị lôi kéo bởi bạn bè xấu, có hành vi bốc đồng như: tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, chở 3 - 4, không tuân thủ luật Giao thông đường bộ…”, BĐ Lê Thị Thùy Lan chỉ rõ.
BĐ Nguyễn Ngọc Châu cũng bày tỏ: “Rất hoan nghênh lực lượng CSGT Đà Nẵng đã xử phạt PH giao xe phân khối lớn cho con em mình đến trường. Cũng là PH có con cái đang tuổi ăn, tuổi lớn, nhưng bản thân tôi thấy không thể “thông cảm” và đề nghị xử lý đối với 225 trường hợp còn lại, bởi chỉ khi có một hiệu ứng xã hội nhất định mới có thể giúp các PH khác nhìn vào đó để sửa sai (nếu nằm trong trường hợp giao xe phân khối lớn cho HS chưa đủ tuổi điều khiển đến trường, nhưng “may mắn” chưa bị CSGT lập biên bản vi phạm)”, và đề nghị: “Việc xử phạt các PH cũng cần được công khai tại trường để không những các HS khác thấy đó mà làm gương, mà còn có tác dụng tuyên truyền tốt từ hướng ngược lại: HS về nhà nhắc nhở cho PH của mình. Cả PH, HS, lẫn trường học đều phải nhận thức được điều này mới mong có tác dụng”.
Triển khai khắp cả nước
Từ câu chuyện ở Đà Nẵng, BĐ cũng phản ánh ở nhiều tỉnh, thành khác, đặc biệt ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, tình trạng HS không đủ tuổi lái xe máy trên 50 cc xảy ra khá nhiều. BĐ đề xuất CSGT các địa phương trên cả nước cần đồng loạt áp dụng biện pháp mạnh như lực lượng CSGT ở Đà Nẵng đã thực hiện.
“Chỉ cần “lập chốt”, đứng chặn ở các cổng trường hay các bãi gửi xe xung quanh trường học sẽ rõ… Nếu số lượng HS của một trường vi phạm nhiều, nên vào trường học đó làm việc với ban giám hiệu liền và đề nghị không cho HS gửi xe phân khối lớn khi đi học. Song song đó, nhà trường thông báo cho PH trước trên nền tảng Zalo hay các ứng dụng khác đóng vai trò cầu nối liên lạc giữa nhà trường và PH. Sau thông báo mà HS vẫn vi phạm thì CSGT mạnh tay lập biên bản xử phạt hành vi “giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ” đối với PH có con em điều khiển xe máy trên 50 cc”, BĐ Nhất Trần nêu ý kiến.
“Giao xe phân khối lớn cho HS chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái sử dụng là giao nguy cơ tai nạn không chỉ với người đi đường, mà với chính con em mình. Vì thế, khi PH đã thiếu ý thức, thì CSGT cần mạnh tay xử lý và cần làm đồng bộ trên cả nước”, BĐ Dương Hồ mong mỏi. Trong khi đó, BĐ H.S nhấn mạnh: “Không chỉ xử phạt PH, mà phải xem đây là “trách nhiệm của gia đình và nhà trường” về sự an toàn của chính HS và người đi đường, sự tôn nghiêm của môi trường giáo dục”.
* Để xảy ra điều này, có thể nói, một phần cũng do nhà trường chưa giáo dục, tuyên truyền tốt đối với HS. Nếu đem lỗi điều khiển xe máy dung tích trên 50 cc để đánh giá tác phong đạo đức, hạnh kiểm của HS, tôi nghĩ ít, nhiều hạn chế được các HS.
Trần Triều Quang
* Cũng cần thêm lực lượng CSGT đến các trường để truyền đạt cho các HS kiến thức cơ bản về luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là độ tuổi nào được phép điều khiển xe máy dung tích trên 50 cc, tuổi nào chưa được phép…
Nguyen Van Buu
Bình luận (0)