Phạt ‘thích’ hơn

09/07/2016 05:42 GMT+7

Đó là tâm lý của rất nhiều doanh nghiệp vì số tiền phạt chẳng ăn nhằm gì so với số lợi họ thu được từ các hành vi sai phạm.

Ví dụ như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Vấn đề này khiến các bà nội trợ sợ hãi, dư luận bức xúc, cả xã hội lên án... Hậu quả không chỉ là bệnh tật, sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến cả giống nòi. Nhưng theo quy định trước đây, mức phạt chỉ 7,5 triệu đồng/hộ chăn nuôi nhỏ và 15 triệu đồng/trang trại.
Nên hồi tháng 4 vừa rồi, đoàn kiểm tra liên ngành TP.Biên Hòa (Đồng Nai) phát hiện 3 trang trại với tổng cộng 1.500 con heo thịt sử dụng chất cấm salbutamol, nhưng chiếu theo quy định, các chủ trại cũng chỉ bị phạt 15 triệu đồng, đàn heo được giữ lại đủ số ngày để đào thải, giảm hàm lượng chất cấm xuống mức cho phép là cho xuất bán.

tin liên quan

Phạt tù người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Từ 1.7.2016, bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực, hành vi sử dụng chất cấm có thể bị xem xét khởi tố hình sự và cá nhân vi phạm đối diện với khung hình phạt tù cao nhất là 20 năm.

Tính trung bình mỗi con heo xuất bán (100 kg) chủ trang trại bỏ túi 1 triệu đồng lãi, tổng số lợi nhuận thu được từ số heo trên khoảng 1,5 tỉ đồng. Nộp phạt 15 triệu rồi bỏ túi tiền tỉ, tất nhiên ai cũng "thích" nộp phạt hơn. Đó là lý do chất cấm hoành hành, tràn lan khắp nơi suốt mấy năm qua. Từ 1.7 này, mức xử phạt đã tăng lên. Hy vọng với sự quyết liệt của cơ quan chức năng, việc này sẽ được đẩy lùi để người dân có thể an tâm sử dụng thực phẩm trong bữa ăn của gia đình.
Tương tự, theo quy định, công trình phải nộp lại 50% giá trị sai phạm. Nếu chỉ tính riêng quy định này, chủ đầu tư đã "lời" 50%, chưa kể việc xác định "giá trị sai phạm" luôn gây tranh cãi vì phần lợi luôn thuộc về chủ đầu tư. Đơn cử như vụ chủ đầu tư dự án Hồ Gươm Plaza (Hà Nội) xây vượt 64 căn hộ so với phê duyệt ban đầu nhưng Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra quyết định xử phạt tổng cộng gần 3 tỉ đồng. Trong khi giá bán mỗi mét vuông đã hoàn thiện tại dự án này cách đây vài năm khoảng 26 - 28 triệu đồng. Với diện tích 73 - 141 m2, mỗi căn hộ tại đây có giá khoảng 2 - 4 tỉ đồng. Mức phạt 3 tỉ đồng tương đương với giá 1 căn hộ, chủ đầu tư "bỏ túi" 63 căn còn lại. Phạt thế này, tội gì chẳng vi phạm.

tin liên quan

Điện thoại 'ngập' tin rác
Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước thúc giục và các nhà mạng cũng cho biết đã sử dụng các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tuy nhiên trên thực tế, hiện tượng 'bom' rác vẫn tấn công người dùng tới tấp.

Cũng như vậy, chuyện hàng triệu người dân bị quấy rối, làm phiền bởi tin nhắn rác cũng nói đi nói lại, phạt tới phạt lui nhưng "rác" vẫn ngập điện thoại của người dùng vì tiền phạt quá khiêm tốn so với món lợi kếch sù mà họ thu về. Vụ mới nhất 8 công ty cung cấp nội dung bị phạt 575 triệu đồng vì gửi tin nhắn rác là điển hình. Phạt hơn nửa tỉ, nghe thì to nhưng chia đều mỗi công ty thì chưa tới 72 triệu đồng, trong khi khoản lợi mang về từ dịch vụ này là cực lớn. Cứ thế này, người dân muốn thoát tin nhắn rác, chỉ còn cách không dùng điện thoại mà thôi.
Có rất nhiều doanh nghiệp ngoại ở nước họ làm ăn đàng hoàng nhưng sang VN thì "trốn" đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường... vì tiền đầu tư lớn, trong khi tiền xử phạt thì nhỏ. Cho dù một năm bị vài lần xử phạt, tính cả chu kỳ dự án để bị phạt vẫn lời hơn, thế là họ "lờ" luôn...

tin liên quan

Formosa 'tráo' công nghệ
Các chuyên gia cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan giám sát thực hiện đầu tư khi để Formosa thay đổi công nghệ luyện cốc từ dập khô thành dập ướt.

Phạt bằng tiền, nhẹ nhất cũng phải lớn gấp đôi, gấp 3 so với giá trị vi phạm. Còn hiện tại, sở dĩ doanh nghiệp thích bị phạt hơn như nói trên vì lợi nhuận mang lại từ sự vi phạm lớn hơn nhiều so với số tiền nộp phạt. Nếu cứ để tình trạng này, không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt hại, ngân sách thất thu, thị trường bị méo mó mà còn ảnh hưởng tới sự nghiêm minh của pháp luật. Chế tài đủ mạnh, thực thi quyết liệt thì mới tạo sự công bằng cho môi trường đầu tư, mới bảo vệ được người dân và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.