|
Trước đó một số tờ báo mạng đã chụp lại tờ rơi ghi bằng tiếng Anh mà Công an phường Phạm Ngũ Lão phát cho du khách, đặc biệt là khách cư trú ở phố Tây. Một số đoạn được trích dẫn trong tờ rơi:
“Violent crime is very often in Ho Chi Minh City. Keep your bags close to your body, avoid wearing precious jewelry and try not to be too flashy with your camera and phone” (Tội phạm bạo lực rất hay xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hãy giữ túi xách của bạn luôn bên người, không đeo các các đồ trang sức quý và cố gắng không để lộ liễu máy ảnh và điện thoại di động).
|
Hay “Do not trust the taxi meter (đừng tin vào đồng hồ trên xe taxi). Ripping off unsuspecting passengers is an art form for dishonest driver. Stisk to reliable companies such as Vinasun taxi and Mailinh taxi. (Đây là hành động móc túi hành khách một cách trắng trợn của lái xe không trung thực. Hãy lựa chọn các hãng taxi đáng tin cậy như Vinasun và Mailinh).
Đồng thời đó, tờ rơi cũng hướng dẫn khách nước ngoài một số điểm đáng lưu ý khi sử dụng dịch vụ xích lô, xe ôm.
Ông Phước cho biết việc nhắc nhở du khách từ trước đến nay vẫn làm. Hiện nay tình trạng cướp giật tài sản của người nước ngoài không chỉ ở phường Phạm Ngũ Lão mà còn ở cả địa bàn quận và TP.HCM. Hàng ngày báo chí đăng nhiều về tình trạng cướp giật này.
Đặc biệt, theo vị Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão, vừa qua có một nhóm 2 người nước ngoài chuyên đi ăn trộm, bị camera của hai phường Bến Thành, Bến Nghé quay lại và thông báo cho cơ quan, khách sạn, nhà hàng lớn ở quận 1 để phòng ngừa.
“Trước tình hình đó và có chủ trương của Công an quận 1, chúng tôi làm tờ rơi để du khách nâng cao tinh thần cảnh giác vì khách nước ngoài bị cướp giật nhiều quá”, ông Phước nói.
Ông Phước cho biết thêm ngoài tờ rơi tiếng Anh phát cho du khách nước ngoài, Công an phường Phạm Ngũ Lão còn thiết kế tờ rơi bằng tiếng Việt gửi cho các hộ kinh doanh và khách người Việt.
“Khi nhận được, người nước ngoài phản hồi công an quan tâm mình quá. Họ thấy mình được đối xử chu đáo chứ không cho rằng việc phát tờ rơi chứng tỏ an ninh không tốt. Nói thật không ở đâu an ninh tốt như ở Việt Nam. Ở Pháp, Ý, móc túi cũng như ngóe”, ông Phước khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phước đang làm tường trình báo cáo sự việc lên Bộ Công an và Công an TP.HCM.
Một cán bộ ở Phòng tuyên truyền Công an quận 1 cho biết trước thông tin trái chiều này, Công an TP.HCM cũng làm việc với Công an quận 1.
|
Vị này cho biết chủ trương phát tờ rơi cho du khách là của Công an TP.HCM nhằm nhắc nhở du khách khi du lịch ở TP.HCM. Công an quận chỉ đạo các phường chủ động triển khai làm tờ rơi.
“Đó chỉ là một lời nhắc nhở, lưu ý chứ không phải cảnh báo nguy hiểm tạo cho du khách có cảm giác bất an. Lời nhắc nhở trong tờ rơi giúp cho khách có được kỹ năng tránh mất mát tài sản không đáng có. Thực tế du khách đón nhận rất vui vẻ, hài lòng về sự thân thiện của công an chứ không có cảm giác sợ sệt, ngán ngại”, vị này nói.
Vị này cho biết thêm tờ rơi không làm ồ ạt mà thí điểm ở phường Phạm Ngũ Lão. Vì phường này có nhiều khách nước ngoài, tình trạng trộm cắp, cướp giật diễn ra khá nhiều. Khách nước ngoài lại hay ngồi chơi, đi bộ ở vỉa hè nên dễ tiếp cận hơn.
“Tờ rơi đang được bàn tán xôn xao trên mạng là do phường Phạm Ngũ Lão tự làm tùy theo đặc thù an ninh của phường. Còn tờ rơi “một vài lưu ý đối với du khách” mà quận 1 tính triển khai thì vẫn đang nằm trên giấy và đang xin chủ trương để in. Tờ này có nhiều thông tin rất hay và lý thú cho khách nước ngoài”, vị này nói.
Nhà báo Thẩm Tuyên - Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM - cho biết chủ trương phát tờ rơi cảnh báo đề phòng tệ nạn, với hình ảnh minh họa rõ ràng, là việc làm đúng đắn của Công an TP.HCM.
Từng đi rất nhiều nước ở châu Âu, nhà báo Thẩm Tuyên cho biết tại Paris (Pháp), những nơi dễ xảy ra móc túi đều có thể có bảng cảnh báo, thậm chí tin cảnh báo và hướng dẫn trên bảng chữ điện ở góc đường, chỗ đông người.
“Những nơi tôi đã đến, chỉ ở Venice (Ý), rồi ở Erevan (Arménie), Maurice (Mauritius), tôi chú ý không thấy những cảnh báo tệ nạn nơi công cộng. Và cũng chú ý không thấy rác, ăn mày, những gương mặt khả nghi hay bất lương. Theo kinh nghiệm cá nhân thu thập được trên hành trình du lịch đủ kiểu từ 1994 đến nay, sạch thì không cần cảnh báo, chưa sạch thì phải công khai cho bàn dân, du khách biết mà tự đề phòng. Đó là giành thế chủ động trong chống trộm cướp”, nhà báo Thẩm Tuyên cho biết.
Theo nhà báo Thẩm Tuyên, không nên xem hành động giúp đỡ du khách vừa nêu như hành động sỉ nhục, bôi nhọ quốc gia.
“Mập mờ đóng cửa bảo nhau, mặc người đến xứ ta bị hại, ta cứ xấu ráng giấu ráng che, lề còn có chút xíu dẫu chưa rách nhưng cũng te tua mà còn gắng giữ thì đóng cửa mà chơi với nhau, đừng mời gọi ai đến nữa. Kêu gọi du lịch, tức là mời người ta đến nhà mà không báo gì hết, để khách thành nạn nhân của bọn lưu manh cướp trộm thì khác gì tiếp tay chúng”, nhà báo Thẩm Tuyên đúc kết.
Ở một góc độ khác, ông Tôn Thất Hòa - nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TP.HCM - cho biết việc phát tờ rơi là không hay, giống như kiểu công nhận tình trạng bất lực trước tình trạng quấy nhiễu, cướp giật đối với du khách.
Theo ông Hòa, cơ quan chức năng nên có hình thức cảnh báo khác, như là thông báo đến từng cơ sở lưu trú, công ty lữ hành, hướng dẫn viên về tình trạng trên, thông qua đó truyền tải đến để cho du khách đề phòng.
“Phát tờ rơi là biện pháp thụ động. Nó có tác dụng tốt thì ít nhưng lại gây cho khách hiểu không tốt về hình ảnh du lịch Việt Nam”, ông Hòa nói.
Trung Hiếu
>> Bắt khẩn cấp băng nhóm chuyên cướp giật du khách
>> Khách du lịch quốc tế đến ‘Ngôi nhà người tình tang’
>> Khách du lịch đến Việt Nam bằng đường bộ tăng mạnh
>> Thêm gần 4.600 khách du lịch mua được tour giá rẻ
Bình luận (0)