Ngân hàng Nhà nước vừa có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung nhiều chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm hoạt động ngân hàng, trong đó có việc ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm.
Cụ thể, dự thảo nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.
Vi phạm quy định về gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại luật Các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: không thông báo hoặc thông báo cho Ngân hàng Nhà nước việc bổ nhiệm người đảm nhiệm chức vụ người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng không đúng quy định tại luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2020 đến hết 6 tháng năm 2024, có 1.438 đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với 219 trường hợp; áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo 14 trường hợp. Các vi phạm liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, hoạt động ngoại hối, phân loại tài sản có, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, chế độ báo cáo.
Bình luận (0)