Phát triển bền vững vì tình hữu nghị Việt Nam - Lào

03/12/2023 08:00 GMT+7

Cách Công ty cao su Việt Lào khoảng chừng vài km, Công ty cao su Dầu Tiếng - Việt Lào là một trong những công ty cao su thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) được đánh giá là dự án đầu tư hiệu quả, lợi nhuận cao.

Pakse vẫn là những ngày mát mẻ, mưa lất phất bay. Đoàn chúng tôi xuất phát từ Công ty cao su Việt Lào đến Công ty cao su Dầu Tiếng - Việt Lào chỉ khoảng 10 phút đi xe. Công ty cao su Dầu Tiếng - Việt Lào có trụ sở đặt tại bản Nomnamkhaonoy, huyện Bachiang, tỉnh Champasak, chính thức hoạt động ngày 1.1.2007.

VRG đưa "vàng trắng" đến nước bạn Lào:

Tổng diện tích đất phục vụ cho dự án phát triển cây cao su hiện nay công ty đang quản lý tại 2 tỉnh Champasak và Salavan (Lào) là hơn 6.700 ha. Công ty có 4 nông trường và 1 nhà máy chế biến với tổng số lao động khoảng 1.600 người.

Phát triển bền vững vì tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 1.

Nhà sinh hoạt công nhân của Công ty cao su Dầu Tiếng - Việt Lào

Ảnh: Hạnh Viên

Với sự hỗ trợ của VRG, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại 4 tỉnh nam Lào, lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Dương, các cấp chính quyền địa phương nước sở tại trong khu vực vùng dự án hoạt động, Công ty cao su Dầu Tiếng - Việt Lào đã có điều kiện thuận lợi phát triển bền vững trên nước bạn Lào.

Trải qua 17 năm hoạt động, dự án đã giải quyết việc làm thường xuyên trong năm cho hơn 1.600 lao động là người địa phương với thu nhập ổn định. An sinh xã hội trong vùng dự án được chú trọng như thực hiện các công trình phúc lợi kéo điện, khoan giếng, xây đập tràn, làm đường liên bản, xây dựng và sửa chữa chùa, trường học và các hoạt động phúc lợi khác.

Tổng sản lượng thu hoạch mủ bình quân hằng năm đạt 8.500 - 10.000 tấn; xây dựng hệ thống nhà máy chế biến mủ với 2 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn, sản lượng chế biến hằng năm từ 15.000 - 18.000 tấn.

Đây cũng là một trong những dự án thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa 2 nước Việt Nam - Lào, là dự án hoạt động bền vững trong giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động người Lào. Hiện nay, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch mủ cao su đã trở nên rất gần gũi với người dân trong vùng và xung quanh vùng dự án. Người dân đã nắm bắt và học hỏi nhiều về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su; trên cơ sở đó đã trồng cây cao su, từng bước cải thiện kinh tế gia đình.

Cũng từ sự phát triển bền vững của dự án, đã mang lại diện mạo mới cho huyện Bachiang - huyện nghèo nhất tỉnh Champasak với những thay đổi đáng kể, nhiều nhà tường mái ngói thay thế cho nhà gỗ đơn sơ, tạo điều kiện sống có nhiều thay đổi tốt; tinh thần, đời sống ngày càng sung túc, đủ đầy…

Phát triển bền vững vì tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Trung, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Paske làm việc với Công ty cao su Việt Lào và Dầu Tiếng - Việt Lào

Ảnh: Hạnh Viên

Nhịp cầu nối cho tình hữu nghị

Ông Nguyễn Văn Trung, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Paske (Champasak) cho biết, dự án phát triển cao su tại Lào trong thời gian qua của VRG đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ rất nhiều của Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan có liên quan của hai nước Việt Nam - Lào.

Trong các dự án được VRG đầu tư trồng cao su tại Lào đã có 3 dự án đầu tư hiệu quả, đem lại doanh thu lợi nhuận cao, đó là Công ty cao su Việt Lào, Công ty cao su Quasa - Geruco và Công ty cao su Dầu Tiếng - Việt Lào. Tiêu biểu trong đó là dự án của Công ty cao su Việt Lào với diện tích hơn 10.000 ha, sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 15.000 tấn, tổng doanh thu trong 5 năm gần đây (từ năm 2018 - 2022) đạt hơn 3.000 tỉ đồng, tạo điều kiện công ăn việc làm cho hơn 2.600 lao động. Đây cũng là dự án đầu tiên thuộc VRG đầu tư tại nước bạn Lào được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Từ khi triển khai chương trình phát triển cao su ở Lào từ năm 2005 đến nay, VRG đã đầu tư xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội phục vụ cho người dân trong và quanh vùng dự án, luôn quan tâm hỗ trợ địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, từ thiện, các công trình phúc lợi nhằm phục vụ cho sản xuất, đồng thời phục vụ thiết thực cho công nhân, người dân trong vùng dự án. VRG cũng chú trọng xây dựng nhà ở cho công nhân, đường giao thông…

Phát triển bền vững vì tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Ảnh 3.

Công nhân, lao động cao su thuộc VRG ở Champasak thi đấu thể thao trong ngày nghỉ

Ảnh: Hạnh Viên

Ngoài ra, các dự án cao su đã đóng góp hỗ trợ cho địa phương xây hoặc sửa cầu đường, trường học, chợ, trụ sở làm việc của địa phương, nhà bảo vệ rừng… Qua đó, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy giữa doanh nghiệp và cộng đồng, mang đến lợi ích về cơ sở hạ tầng cho vùng dự án và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước và đảm bảo các chế độ chính sách cho người lao động, vì vậy người lao động an tâm công tác, tin tưởng, gắn bó với các dự án của VRG.

Ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, VRG triển khai chương trình đầu tư trồng cao su tại Lào từ năm 2005 là một hướng đi đúng đắn, góp phần vào việc thành công trên các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao, tô thắm tình hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam "mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững".

Chính phủ lào hỗ trợ nhiệt tình

Để hiểu rõ hơn về giai đoạn đầu tiên đưa cao su đến Lào, chúng tôi gặp ông Lê Minh Châu, một trong những người tiên phong phát triển dự án trồng cây cao su tại nước bạn. Thời điểm đó, ông Châu là Giám đốc Công ty cao su Phú Riềng.

Ông Châu chia sẻ, thời gian đầu VRG triển khai trồng cao su trên nước bạn Lào đã được sự hỗ trợ nhiệt tình của Chính phủ Lào, thời điểm đó do ông Thongloun Sisoulith là Phó thủ tướng phụ trách mảng nông nghiệp (nay là Chủ tịch nước CHDCND Lào). Theo đó, ông Thongloun Sisoulith đã có quy hoạch liền cho công ty trong 1 buổi làm việc.

Nhớ lại những năm 2004 khi VRG bắt đầu đưa cây cao su đến nước bạn Lào, ông Châu không khỏi xúc động: "Anh em chúng tôi đi chỉ có hơn 10 người, đặt tên cho đoàn công tác là 904 do đi vào tháng 9.2004, cái tên này đến giờ tôi tin không anh em nào trong đoàn có thể quên".

Theo ông Lê Minh Châu, được sự quan tâm của Chính phủ Lào, VRG đặt nền móng khá thuận lợi cho phát triển cây cao su ở nước bạn. Bên cạnh đó, VRG triển khai trồng cây cao su tại Lào hướng đến mục đích lớn nhất là tạo mối quan hệ hợp tác, phát triển toàn diện giữa 2 nước; những giá trị thặng dư từ dự án mang lại, ngành cao su sẽ đầu tư trở lại cho an sinh xã hội của nước bạn Lào.

Theo đó, hiện nay người dân trong vùng dự án cao su đã có đầy đủ cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm y tế. Người dân có thu nhập ổn định ngay từ lúc trồng cao su đến khi vườn cây đi vào khai thác.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.