Phát triển đô thị bền vững

25/03/2015 05:48 GMT+7

“Chiến dịch” chặt cây xanh ở Hà Nội vừa bị đình chỉ, hay chuyện chính quyền tỉnh Đồng Nai cấp phép cho dự án phát triển đô thị lấn lấp sông là một tổn thất về hình ảnh của chính quyền, nhưng quan trọng hơn, nó thể hiện lỗi của các cơ quan tham mưu cho chính quyền về quy hoạch cảnh quan và phát triển đô thị bền vững.

“Chiến dịch” chặt cây xanh ở Hà Nội vừa bị đình chỉ, hay chuyện chính quyền tỉnh Đồng Nai cấp phép cho dự án phát triển đô thị lấn lấp sông là một tổn thất về hình ảnh của chính quyền, nhưng quan trọng hơn, nó thể hiện lỗi của các cơ quan tham mưu cho chính quyền về quy hoạch cảnh quan và phát triển đô thị bền vững.
Ở Hà Nội, sở dĩ có thể xảy ra việc thay cây ồ ạt, thiếu minh bạch, gây phản ứng trong dư luận là bởi 2 nguyên nhân: thứ nhất là Hà Nội - thủ đô chưa từng có một quy hoạch cảnh quan đúng nghĩa. Người ta quy hoạch nhà, đường phố, nhưng lại không có thiết kế cảnh quan (cây xanh, chiếu sáng, tượng đài...). Thứ hai là lỗi về quản lý đô thị, cơ quan thiết kế ý tưởng (thay cây) lại đồng thời là cơ quan thực thi. Sở Xây dựng trình đề án, khi được duyệt lại giao cho công ty trực thuộc mình (Công ty công viên cây xanh) chặt hạ và trồng mới. Quy trình thiếu minh bạch ấy khiến người ta không khỏi nghi ngờ về động cơ và tính chính trực. Đặc biệt khi mà các phát ngôn của lãnh đạo, cũng như con số trong đề án đầy mâu thuẫn.
Chặt hạ cây xanh một cách thiếu tính toán là tận diệt môi trường. Môi sinh thành phố rồi sẽ phải trả giá, giống như chuyện san lấp hồ ao từng xảy ra vài năm trước và bây giờ đô thị Hà Nội đang phải gánh chịu. Hà Nội đang phải chi nhiều tỉ đồng cho hệ thống thoát nước đô thị và đào lại hồ, khơi vét các dòng sông để chống chọi với tình trạng úng ngập.
Đã đến lúc VN nói chung và các đô thị nói riêng phải thuộc bài học “foot step” của châu Âu từ vài thế kỷ trước, để không giẫm lại vết xe đổ: Sự lan tỏa của đô thị là bước chân tàn phá thiên nhiên. Thử xem, đánh đổi một đô thị hoành tráng lấy sự héo mòn, tàn tạ của một dòng sông - liên quan đến môi trường sinh thái, kế sinh nhai của hàng triệu người dân Đồng Nai và vùng lân cận liệu có đáng không?
Các nhà kinh tế thường đưa ra quan điểm “tăng trưởng trước dọn dẹp sau”, nhưng phát triển bền vững ngược lại, chứng minh rằng, phát triển đô thị bằng mọi giá đã giết chết các dòng sông, khắp nơi tràn ngập rác và khí thải ô nhiễm. Chính quyền tỉnh Đồng Nai hẳn không muốn vì đô thị có thêm hơn 8 ha nhưng lại “phương hại đến khả năng đáp ứng của tương lai” (Ủy ban Môi trường của LHQ định nghĩa về phát triển bền vững).
Đó là chưa kể, xét trên mọi quy định pháp luật hiện tại, việc phê duyệt một đô thị lấn lấp sông như vậy đều là không phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.