Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, được nhiều địa phương tập trung đẩy mạnh, được nhiều doanh nghiệp rót vốn đầu tư..., thế nhưng chúng ta hầu như chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về nhu cầu của du khách.
Họ muốn gì khi tới VN? Điều gì khiến họ phiền lòng? Làm thế nào để "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi"... hầu như bỏ ngỏ.
Chính sách 2 giá gây mất thiện cảm
Ẩm thực đường phố luôn hấp dẫn du khách quốc tế ở mọi điểm đến. Tại VN, ẩm thực vỉa hè cũng là nét văn hóa riêng thu hút. Thế nhưng đây cũng chính là nơi xảy ra nhiều vấn nạn chặt chém, bắt chẹt du khách, nhất là người nước ngoài. Dạo một vòng quanh các điểm du lịch quen thuộc tại TP.HCM như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (Q.1)... không khó để bắt gặp trường hợp những người bán hàng trên vỉa hè sử dụng "chính sách 2 giá" với cùng một món hàng. Cùng một chiếc bánh tráng nướng, người Việt mua giá 10.000 - 15.000 đồng nhưng hễ khách ngoại quốc bước tới là hét giá 20.000 - 30.000 đồng. Chị H.N, làm việc tại Q.1, TP.HCM, bức xúc kể lại, hôm đó chị từ một cửa hàng tiện lợi trên đường Phạm Ngũ Lão bước ra mua trái cây gọt sẵn đóng hộp của người bán dạo với giá 40.000 đồng. Chị vừa trả tiền xong thì có 2 khách du lịch người Hàn Quốc tới hỏi mua, người bán hàng giơ tay ra ký hiệu 100.000 đồng! Nhiều hướng dẫn viên cho biết, họ luôn phải dặn dò du khách khi đến VN là mua bất cứ thứ gì, sử dụng bất kỳ dịch vụ nào ngoài đường cũng phải hỏi giá trước, trả giá và cẩn thận tránh bị giật đồ, móc túi. “Việc bị “chặt chém” khi mua đồ khiến du khách khó chịu, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch VN”, một hướng dẫn viên chuyên dẫn khách châu Âu chia sẻ.
Vào hàng quán, thậm chí mua dịch vụ của nhiều công ty cũng chưa chắc an toàn. Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” mà mới nhất là vụ Công ty du lịch Spring Travel Agency bị khách Úc tố về “chuyến đi kinh dị” tại vịnh Hạ Long gây hiệu ứng xấu về hình ảnh du lịch VN trong mắt nhiều du khách. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến tỷ lệ du khách đến VN rồi “một đi không trở lại” ngày càng nhiều.
Chạy theo số lượng, quên chất lượng
Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho biết: Trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, VN xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch. Đó đều là những thứ hạng khá cao. Năm 2017, VN đón hơn 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với 2016. Đây có thể coi là kỳ tích của ngành, lần đầu tiên mức tăng về khách du lịch đạt gần 3 triệu lượt một năm. Sáu tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến VN ước đạt hơn 7,89 triệu lượt, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2017.
Tiềm năng có, chúng ta cũng đã đạt những thành công ban đầu trong việc thu hút khách quốc tế đến VN; thế nhưng việc du khách đến rồi đi khiến công sức, tiềm năng bị lãng phí, tăng trưởng du lịch rơi vào tình trạng thiếu bền vững.
PGS-TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch VN, nhận định: Tình trạng trên xảy ra là do chúng ta đang chạy theo số lượng khách mà bỏ quên vấn đề chất lượng. Để phát triển du lịch bền vững, quan trọng nhất là hiệu quả của nguồn khách. Ông Lương phân tích hiệu quả ở đây được thể hiện qua 3 yếu tố: kinh tế, xã hội, và tác động của du lịch đến môi trường. Về kinh tế, sự kém hiệu quả thể hiện rõ trong việc du khách đến VN ngày càng nhiều nhưng chi tiêu ngày càng giảm. Thống kê năm 2004 của Tổng cục Thống kê cho thấy mức chi tiêu của du khách bình quân tại VN là 1.283,3 USD nhưng sau 13 năm, con số này đã giảm xuống 1.171 USD (đầu năm 2017). Chưa kể tình trạng bùng nổ “tour 0 đồng” khiến ngành du lịch VN thất thu lớn từ thị trường khách chủ chốt. Về mặt xã hội, sự tăng trưởng ồ ạt quá nóng gây áp lực rất lớn đến người dân, khiến họ bị ức chế trong thời gian dài, dẫn đến nhiều trường hợp người dân địa phương có thái độ tiêu cực với khách. Tình trạng khai thác du lịch tràn lan gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, tác động xấu đến môi trường cũng đang xảy ra ngày càng nhiều.
Lo cung bỏ cầu
Nghịch lý nhất là trong khi chúng ta tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, có các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch thì vấn đề quan trọng nhất là nhu cầu của du khách lại chưa được thật sự chú ý. Thậm chí, trong khi nhiều trang chuyên về du lịch hay các tổ chức nước ngoài thực hiện các cuộc khảo sát, thống kê, thăm dò ý kiến du khách khi đến thăm VN thì bản thân các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý đầu ngành hay các điểm đến nổi tiếng của VN lại rất hiếm khi thực hiện những việc này. Rất khó để tìm được nguồn thông tin chính thống từ trang web của Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thống kê thông tin về thời gian lưu trú, chi tiêu trung bình/ngày, chi cho những khoản gì... Thậm chí, trong hơn 13 triệu lượt khách quốc tế đến VN năm 2017, có bao nhiêu là khách du lịch, bao nhiêu khách hành hương, về thăm thân nhân cũng chưa được thống kê cụ thể. Tại TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, mãi đến năm 2017, Sở Du lịch TP mới phối hợp với Cục Thống kê phân tích số liệu ngày lưu trú, chi tiêu trung bình của du khách, đánh giá cụ thể thị trường khách du lịch đến TP trong năm qua.
PGS-TS Lương cho rằng, chính sự hời hợt trong nghiên cứu thị trường, chưa coi du khách là hạt nhân trong quá trình phát triển khiến ngành du lịch cứ mãi quẩn quanh trong loạt câu hỏi vì sao khách không quay lại, khách đến VN chơi gì, tiêu gì, làm sao để khách phải rút hầu bao... Trong khi nghiên cứu về thị trường phải quan tâm nhiều yếu tố để xác định chiến lược cho đúng vì trong mỗi thị trường sẽ lại có từng phân khúc riêng. Đơn cử như khách Trung Quốc cũng chia ra nhiều phân khúc, mỗi phân khúc khách có nhu cầu khác nhau... “Với bất cứ bài toán kinh tế nào, muốn phát triển bền vững thì cốt lõi vẫn là tuân thủ nguyên tắc cân bằng cung - cầu. Xây dựng sản phẩm du lịch phải đánh vào mục tiêu nhu cầu của du khách, dựa trên cái khách cần chứ không phải chăm chăm vào cái mình có. Chúng ta thu được rất nhiều từ du lịch nhưng việc chi cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá, tìm hiểu nhu cầu tại thị trường nguồn vẫn còn rất yếu. Nếu không nhanh chóng “tỉnh giấc”, số lượng du khách tăng trưởng quá nhanh sẽ trở thành con dao hai lưỡi, kéo theo nhiều hệ lụy xấu đến ngành du lịch VN nói riêng cũng như tác động đến nền kinh tế, xã hội, môi trường của nước ta”, ông Lương cảnh báo.
Hơn 80% du khách không quay lại VN
Theo số liệu công bố tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch hồi giữa năm 2016, có 70% khách du lịch quốc tế đến VN không quay trở lại, thì kết thúc năm 2017, báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết tỷ lệ này đã tăng lên hơn 80%. Trước đó, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) đưa ra con số khách du lịch quay lại VN chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 20% đến thăm các điểm du lịch lần thứ 2 và 13% đến thăm lần thứ 3. So với tỷ lệ 82% khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% khách du lịch quay trở lại Singapore thì tỷ lệ khách quay lại của VN theo nhiều chuyên gia du lịch là "đáng xấu hổ".
|
Bình luận (0)