Từ cuộc "lột xác" của Maldives...
Đảo quốc Maldives nằm ở Ấn Độ Dương, với diện tích chưa đến 300 km2. Trước Covid-19, mỗi năm quốc đảo này đón gần 2 triệu lượt khách, trong số đó có rất nhiều người nổi tiếng thế giới. Hơn 100 khu nghỉ dưỡng sang trọng đã được xây dựng trên hơn 1.200 hòn đảo san hô lớn nhỏ, cùng với vô vàn dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của mọi "tín đồ du lịch".
Theo dữ liệu từ Đại học bang Michigan (Mỹ), du lịch đóng góp tới 28% tổng thu nhập quốc nội của Maldives. Đây cũng là nước có mức đóng góp của du lịch vào nền kinh tế cao nhất thế giới. Song, ít ai biết, tới tận năm 1972, Maldives mới có khu resort đầu tiên, và đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng bậc nhất thế giới khi đó vẫn chưa có bến tàu, du khách phải lội nước ngang hông để vào bờ.
Không ngân hàng, không sân bay, không điện thoại mà chỉ liên lạc bằng radio hoặc mã Morse, các chuyên gia từ Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP còn nhận định Maldives không thể phát triển du lịch vì điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng quá kém.
Thời điểm đó, những "thượng đế" đến đây ngày đầu không được tham gia các buổi chèo kayak hay đi tàu cao tốc sang đảo khác để dùng bữa tối dưới bầu trời đầy sao. Mọi trải nghiệm chỉ gói gọn vào… câu cá và tắm nắng.
Thế nhưng, những sản phẩm, trải nghiệm, những khu nghỉ dưỡng sang trọng và đẳng cấp, thậm chí là những nhà hàng dưới đáy đại dương… đã biến Maldives, từ quốc đảo hoang sơ vắng bóng người thành hòn đảo mà mọi du khách thế giới đều mơ ước được chạm vào dù chỉ một lần.
...đến "chuyện" của Đà Nẵng
Tương tự như Maldives, nhìn sự phát triển của du lịch Đà Nẵng hôm nay, ít ai hình dung được cách đây hơn chục năm, Đà Nẵng chỉ là điểm trung chuyển của du khách trên hành trình khám phá 2 di sản miền Trung là Huế và Hội An - Quảng Nam.
Thành phố với những bãi biển đẹp mê hồn, nhiều di tích lịch sử cùng những món ăn ngon nức tiếng không đủ sức giữ chân khách ở lại lâu dài và quay lại nhiều lần. Đầu những năm 2000, du lịch Đà Nẵng chỉ đón chưa tới nửa triệu lượt khách. Cho đến khi thành phố chuyển hướng đầu tư cho du lịch, mời gọi các nhà đầu tư lớn kiến tạo sản phẩm mới, dường như đã có một Đà Nẵng khác xuất hiện bên sông Hàn.
Lần lượt những công trình, sản phẩm du lịch đẳng cấp thế giới được kiến tạo. Tập đoàn Sun Group đã mang tới cho thành phố này một Sun World Ba Na Hills - công viên chủ đề hàng đầu thế giới; “bộ sưu tập” cơ sở lưu trú đẳng cấp như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Premier Village Danang Resort, khách sạn Novotel Danang Premier Han River, khách sạn Mercure Danang French Village Bana Hills… cùng Công viên châu Á - Asia Park, sân golf Ba Na Hills Golf Club. Các nhà đầu tư khác cũng bổ sung cho Đà Nẵng một hệ thống các resort sang trọng cùng các công trình vui chơi giải trí khác.
Từ một “làng chài nghèo” bên sông Hàn, Đà Nẵng đã trở thành điểm đến du lịch giàu trải nghiệm hàng đầu miền Trung.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, giai đoạn 2013 - 2019, tốc độ tăng trưởng thời gian lưu trú bình quân đạt trên 5%/năm. Năm 2019, thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch là 2,68 ngày (khách quốc tế 2,9 ngày, nội địa 2,35 ngày). Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt tới gần 18%. Đây là tỷ lệ trong mơ của nhiều điểm đến.
Thành phố cũng không ngừng bổ sung những sản phẩm du lịch mới, mang tính biểu tượng để thu hút du khách đến check-in, trong đó phải kể đến Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà, tượng Cá chép hóa Rồng, công viên APEC hay Cầu Rồng phun nước, phun lửa mỗi dịp cuối tuần. Nói không quá khi cho rằng Đà Nẵng là một trong những điểm đến có hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng bậc nhất cả nước, thỏa mãn nhu cầu vui chơi, trải nghiệm của du khách ở mọi lứa tuổi, giới tính, tôn giáo hay quốc tịch.
Doanh thu từ du lịch của Đà Nẵng năm 2018 đạt 24.000 tỉ đồng, tăng hơn 34 lần so với năm 2007. Chi tiêu bình quân trên mỗi đầu khách tới thành phố sông Hàn cũng tăng tương ứng 4,5 lần. Điều này chắc chắn sẽ không có được, nếu Đà Nẵng vẫn chỉ làm du lịch bằng việc thu phí tham quan các thắng cảnh hay kéo khách đến đây chỉ để tắm biển Mỹ Khê, thưởng thức đặc sản, thăm làng đá Non Nước, bán đảo Sơn Trà hay lên đỉnh Bà Nà uống trà đá và ăn ngô luộc như những năm trước 2009.
Sản phẩm độc đáo sẽ khiến khách phải "mở hầu bao"
TS Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam trong một cuộc hội thảo du lịch do Báo Đầu Tư tổ chức hồi tháng 3 đã nhận định phần lớn khách du lịch không chỉ tìm kiếm một chuyến đi mà là một trải nghiệm. Trải nghiệm đó càng phong phú, chất lượng thì càng khiến du khách thích thú, muốn trở lại khám phá tiếp và không ngần ngại “mở hầu bao”.
Sa Pa là điển hình. Trước năm 2015, du khách đến Sa Pa không quá 3 ngày là đã… hết chỗ để đi. Thị trấn trong sương khi đó chỉ hấp dẫn các cặp đôi muốn nghỉ dưỡng yên tĩnh, lãng mạn ở những homestay, hoặc khách Tây ba lô muốn kiếm tìm văn hóa bản địa lạ lẫm từ những bản làng Tây Bắc.
Trung bình mỗi du khách chỉ tiêu khoảng 800.000 đồng khi tới Sa Pa vào những năm 2010. Con số này đã tăng lên 2,9 triệu đồng vào năm 2019, khi Sa Pa kịp mời gọi nhà đầu tư lớn như Sun Group, tạo nên những sản phẩm và trải nghiệm không ngừng hấp dẫn du khách. Đó là tuyến cáp treo đạt hai kỷ lục thế giới, quần thể du lịch văn hóa Sun World Fansipan Legend, tàu hỏa leo núi Mường Hoa dài nhất Việt Nam hay Hotel de la Coupole - Mgallery (khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên tại Sa Pa), cùng nhiều lễ hội và sự kiện mang đậm bản sắc vùng cao như show nghệ thuật "Vũ điệu trên mây", giải đua "Vó ngựa trên mây", lễ hội khèn hoa Tây Bắc, lễ hội hoa đỗ quyên...
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai đánh giá: “Đây là chuỗi sản phẩm, công trình có sự gắn kết chặt chẽ, từ các công trình tâm linh kỳ vĩ trên núi cao, tuyến cáp treo, tàu hỏa leo núi đến cơ sở lưu trú Hotel de la Coupole hay các sản phẩm văn hóa đều rất đẳng cấp, được du khách ghi nhận và yêu mến. Chúng được đầu tư đồng bộ, tạo cho Sa Pa các sản phẩm du lịch đặc biệt”.
Một điểm đến khác tại miền Bắc cũng đã “vượt qua chính mình”, để không ngủ quên trên ánh hào quang di sản thế giới, đó là Quảng Ninh. Năm 2019, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 14 triệu lượt, tăng 3 lần so với năm 2009. Doanh thu cũng tăng tương ứng 10,5 lần, đạt gần 29.500 tỉ đồng.
Để đạt được kết quả trên là nhờ du lịch Quảng Ninh đã thực sự thay đổi, với hệ thống giao thông đồng bộ cả đường không, thủy, bộ, và rất nhiều công trình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp. Sự tham gia đầu tư kiến tạo các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú của những tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup… chính là yếu tố cốt lõi tạo nên sức bật cho du lịch Quảng Ninh.
Mỗi điểm đến sẽ có tiềm năng thiên nhiên và văn hóa, lịch sử khác nhau. Song, đó chỉ là yếu tố cần. Trong công cuộc phát triển du lịch, yếu tố đủ để các địa phương có thể rút đến đồng cuối cùng trong túi khách mà vẫn khiến họ hạnh phúc, lại nằm ở sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Bình luận (0)