Phát triển du lịch xanh trên cung đường Nha Trang - Đà Lạt

27/03/2021 20:15 GMT+7

Mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng đã mang đến nhiều thành công cho những địa phương không có thế mạnh về du lịch. Xu hướng này đang được giới trẻ thích thú và lựa chọn cho hành trình khởi nghiệp của mình.

Thành công nhờ sự liên kết cộng đồng

Thành công của các mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng trong thời gian qua đến từ sự liên kết của các hộ gia đình, doanh nghiệp. Du lịch Sa Pa nổi tiếng nhờ tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch thông qua các tuyến du lịch cộng đồng. Chính quyền khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với người dân địa phương ở từng bản làng, cụm dân cư để đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, theo mô hình “liên kết 1-1”.
Hay như Tà Nung - Lâm Đồng bắt nguồn từ sự nở rộ các điểm du lịch tự phát. Các quán cà phê tận dụng ưu thế về không gian thoáng đãng, view núi đồi thơ mộng xây dựng thêm các tiểu cảnh, trang trí thu hút khách đến “check in”, chụp hình sống ảo và giờ là điểm đến quen thuộc của giới trẻ.
Các mô hình trên là minh chứng cho sự thành công về hướng phát triển du lịch cộng đồng đang là trào lưu hiện nay.

Phát triển du lịch xanh bền vững

Nếu như Tà Nung có cung đường đẹp thơ mộng thì cung đường Nha Trang - Đà Lạt được mệnh danh là cung đường nối biển và hoa. Tung tăng trên cung đường này, du khách sẽ cảm nhận sự thích thú khi được tắm mình trong làn sương mờ ảo, ngắm nhìn những thác nước trắng xóa từ độ cao hàng trăm mét.
Trong hành trình khám phá Nha Trang - Đà Lạt, chân đèo Khánh Lê thuộc huyện Khánh Vĩnh là địa điểm dừng chân lý tưởng. Hiện trên cung đường này có một số điểm dừng chân, nhưng đa phần chỉ là những quán dọc đường để du khách ăn uống đơn giản. Trong khi đó, khu vực này lại sở hữu vị trí đắc địa, có sự chuyển giao giữa hai vùng khí hậu Đà Lạt và Khánh Hòa, cùng với đó là vẻ đẹp của núi rừng, thiên nhiên. Do đó, nếu chỉ dừng chân ăn uống, sẽ là sự lãng phí rất lớn.
Thấy được cơ hội đó cùng với sự thành công của mô hình du lịch cộng đồng tại Sa Pa, Tà Nung - Lâm Đồng…, cô gái trẻ Nguyễn Huỳnh Thảo My cùng nhóm bạn đồng nghiệp đã “nung nấu” ý tưởng phát triển một khu du lịch nhỏ của riêng mình và tên gọi Eco Zone ra đời từ đây. Eco Zone hướng đến là điểm dừng chân được phát triển theo mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp và du lịch trải nghiệm.
Tọa lạc tại thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà, H.Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) và nằm trên cung đường Nha Trang - Đà Lạt, Eco Zone có khuôn viên 2,5 ha được hình thành từ quỹ đất chung của gia đình và các nhà đầu tư - đây đều là đất trồng cây lâu năm.
Eco Zone hướng đến cho du khách nghỉ chân trên cung đường Nha Trang - Đà Lạt và người dân địa phương nhiều dịch vụ đa dạng. Có thể kể đến như tham quan check-in, cà phê điểm tâm, trải nghiệm nông nghiệp xanh, team building ven đồi, câu cá…
Bên cạnh đó, khác với các dự án điểm dừng chân khác, giá trị mà Eco Zone mang đến khách du lịch là một điểm đến, du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên. Đến Eco Zone, du khách có thể vừa thỏa sức vui chơi, check-in nhưng vẫn cảm nhận được không khí của núi rừng, của hệ sinh thái thiên nhiên cây cỏ và mô hình farmstay độc đáo mà My cùng nhóm bạn dày công tạo dựng.
“Hiện chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để đăng ký với Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa về điểm tham quan du lịch với tên gọi Eco Zone. Hướng về lâu dài, nơi đây không chỉ là điểm dừng chân du lịch mà còn là nơi để trưng bày và quảng bá những sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa như yến sào, các sản phẩm nông nghiệp: bưởi da xanh, mãng cầu, măng cụt…”, Thảo My chia sẻ thêm.
Khánh Vĩnh là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa với dân số phần lớn là đồng bào dân tốc thiểu số. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Với lợi thế nằm trên cung đường Nha Trang - Đà Lạt nổi tiếng, nếu khai phá hết giá trị để phát triển du lịch xanh, bên cạnh tạo nguồn thu ổn định, giải quyết công ăn việc làm cũng sẽ tạo thêm 1 điểm du lịch xanh mới trong bản đồ du lịch Khánh Hòa mà lâu nay chỉ nổi tiếng về du lịch biển đảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.