Tạo điều kiện đầu tư
Với siêu thị, cửa hàng được quản lý tốt, sẽ không còn cảnh tự ý hét giá tùy tiện như chợ bán lẻ thời gian qua, thậm chí với quyền lực của mình, hệ thống bán lẻ còn có thể giúp người dân mua được hàng giá rẻ bởi họ có toàn quyền buộc các nhà cung ứng phải tính toán để đưa ra thị trường sản phẩm rẻ nhất. Vì vậy thì hãy tạo điều kiện để các tập đoàn bán lẻ lớn, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đầu tư và hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Ngô Trần Thảo My (KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM)
Thủ tục chưa thoáng
Hành lang pháp lý đối với kinh doanh bán lẻ của Việt Nam vẫn còn nhiều rối rắm, đó là trở ngại lớn nhất khiến các “đại gia” bán lẻ trên thế giới chưa mặn mà. Ở các nước phát triển, họ thường cấp phép kinh doanh cho một chuỗi cửa hàng cùng lúc trong khi ở ta, mở cửa hàng ở đâu phải xin phép ở đó, cùng một địa phương, mở 3 nơi phải xin phép 3 lần, mà mỗi nơi quy định mỗi khác. Bên cạnh đó, các quy định về khuyến mãi và các vấn đề liên quan cũng rối ren, khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Trang Nhung (Đại học Luật, TP.HCM)
Biết mở và đóng cửa
Quyền lực của nhà phân phối, bán lẻ là điều ai cũng thấy, thương hiệu bán lẻ đã trở nên thân quen, nổi tiếng như Co.op Mart, BigC... có thể có toàn quyền trong việc mở cửa cho một thương hiệu vào nhà hoặc ngược lại. Vì thế, các nhà quản lý bán lẻ phải biết tận dụng họ như một “cây roi” quất vào những sản phẩm, những công ty làm ăn cẩu thả, vi phạm pháp luật, đối xử tệ với nhân công…Wal-Mart nổi tiếng của Mỹ, trước khi cho một sản phẩm nào đó vào hệ thống, thường đặt ra rất nhiều câu hỏi, chẳng hạn hàng xuất xứ từ đâu, công nhân nhà máy sống thế nào, khả năng phát triển… Việc siêu thị tuyên bố tẩy chay Vedan vừa qua có hiệu ứng ngay lập tức cho thấy quyền lực của bán lẻ. Vì vậy nên phát huy và đẩy mạnh phát triển thị trường bán lẻ, rộng khắp cả nước. Lê Hoài Sang (Đống Đa, Hà Nội)
Giải pháp thu hút khách hàng
Hệ thống bán lẻ của ta đã phát triển, tuy nhiên so với 86 triệu dân thì sự phát triển đó chưa đáp ứng đủ, vì vậy chợ lẻ vẫn là thói quen lựa chọn của người dân, nhất là vùng nông thôn. Muốn chiếm lĩnh thị trường, trước hết phải tính toán đến các mô hình phù hợp cho từng vùng. Bên cạnh đó, cần có nhiều chiêu thức thu hút, cầm chân khách hàng.
Ở nước ngoài, các cửa hàng bán lẻ thường tập trung ở nơi có khách thường xuyên như cụm khách sạn, cây xăng, bệnh viện, trường học, chung cư… Với các trung tâm mua sắm lớn, ngoài trưng bày và bán hàng hóa, họ còn xây dựng những khu giải trí, vui chơi, thư giãn ngay tại trung tâm mua sắm để giữ khách, có khi khách ở cả ngày trong siêu thị, trung tâm mua sắm mà vẫn chưa muốn về. (vietnamdk99@yahoo.com)
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
Bình luận (0)