Phát triển ngành dược trong nước

09/05/2024 08:22 GMT+7

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM) đã đặt vấn đề về số lượng thuốc tại Việt Nam quá nhiều.

Theo bà, cả nước có khoảng 800 hoạt chất nhưng có đến hơn 22.000 số đăng ký. Trong khi Singapore có khoảng 1.200 hoạt chất nhưng chỉ có khoảng 10.000 số đăng ký. Điều này có thể thấy nguyên tắc là thuốc càng nhiều thì quản càng khó, nhiều như thế thì khó đăng ký, khó quản lý. Vì vậy mới có chuyện chờ đợi để đăng ký rồi kéo thêm việc đi "cửa sau"…

Hiện nay hầu như tỉnh, thành nào cũng có nhà máy sản xuất dược với giá thành rất rẻ; có nhiều loại thuốc, giá thành còn không bằng một viên kẹo. Nhưng những loại này lại hay trúng thầu thì điều đó là đang "bóp chết" ngành công nghiệp dược, bóp chết những doanh nghiệp dược muốn làm ăn lâu dài.

PGS-TS Phong Lan cho rằng phải có chiến lược hạn chế nhập khẩu, chỉ nhập khẩu những cái gì mà trong nước không sản xuất được hoặc những loại giới hạn số đăng ký. Việc này rất nhiều quốc gia đã làm và áp dụng được. Chúng ta phải bắt đầu giải quyết từ số đăng ký đầu tiên rồi tiếp đến là đầu ra, đấu thầu thì công nghiệp dược mới có thể phát triển được.

"Rất ghi nhận việc Bộ Y tế đã thấy được vấn đề trong nhiều năm qua, rằng việc cấp số đăng ký chưa kịp, rồi trong những lúc thắt ngặt, sau dịch, cần thuốc thì xảy ra đứt số đăng ký, quá hạn, không cấp kịp. Từ đó, Bộ Y tế đã tìm cách khắc phục, bằng việc rút ngắn thời gian thực hiện. Đây là điều rất đáng hoan ngênh. Tuy nhiên, có những vấn đề thuộc về gốc rễ, không nằm ở thủ tục hành chính. Hiện nay dự thảo rút ngắn thời gian giải quyết còn 15 ngày, nhưng nếu không tăng biên chế, không có gì thay đổi thì liệu có khả thi. Trước đây mấy tháng, bây giờ 15 ngày, vậy phải chăng trước đây có vấn đề?", PGS-TS Phong Lan nói.

Cũng theo PGS-TS Phong Lan, mục đích của cấp số đăng ký là để kiểm soát chất lượng thuốc khi đưa vào thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xem xét hồ sơ để cấp số đăng ký mới chỉ dừng lại ở trên giấy tờ, rất ít kiểm tra trên thực tiễn và chỉ mới dừng ở mức hình thức, rất khó kiểm soát chất lượng thật sự.

PGS-TS Phong Lan cho rằng, đấu thầu không phải là con đường duy nhất để có thuốc mà đấu thầu vừa tốn thời gian, tốn công sức và cũng không bài trừ được tiêu cực. Các BV đã gọi là tự chủ thì nên để họ tự quyết. Trong luật Dược, luật Đấu thầu, phải tính toán làm sao để đáp ứng tính kịp thời, để bớt thủ tục và người dân phải được cung ứng đúng thuốc, đủ thuốc.

Theo PGS-TS Phong Lan, có một giai đoạn rất dài không có thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế cho người dân. Mới đây, bà chất vấn Bộ Y tế là "mấy kỳ họp rồi việc thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế không có, người dân phải ra ngoài mua thì bảo hiểm y tế có đền bù hay không? Tuy nhiên, việc này vẫn chỉ dừng ở mức Bộ Y tế "đang xây dựng đề xuất".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.