Phát triển Proptech tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

03/10/2022 08:00 GMT+7

Xu hướng chuyển đổi Proptech đang dần trở nên phổ biến, tạo thành một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ trong ngành bất động sản những năm gần đây.Với điều kiện hạ tầng công nghệ hiện tại ở Việt Nam, cơ hội để đẩy mạnh sự phát triển của Proptech là vô cùng dồi dào, song đây vẫn là một quá trình đòi hỏi nhiều công sức với những thách thức lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Làn sóng Proptech đang lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam những năm gần đây

Ảnh: Shutterstock

Mảnh đất màu mỡ và cơ hội phát triển bùng nổ

“Proptech” (công nghệ bất động sản - Property Technology) đang là xu thế chuyển đổi không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Proptech hiểu ngắn gọn là ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bất động sản, giúp kết nối người mua, người bán, người có sản phẩm và nhu cầu trên thị trường. Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy ngành Proptech phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, càng thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp bất động sản. Viễn cảnh Proptech tại Việt Nam thể hiện những bước chuyển biến tích cực nhờ vào đối tượng khách hàng là người trẻ (đặc biệt là thế hệ GenZ) am hiểu công nghệ, bắt kịp xu thế và ngày càng có kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực bất động sản.

Theo nguồn "Báo cáo và chỉ số tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam nửa cuối năm 2022" từ trang tin batdongsan.com.vn, người Việt Nam đang trở nên thích ứng tốt hơn với công nghệ trong hành trình mua nhà. Cụ thể 72% lựa chọn bất động sản qua mạng, 62% tương tác với người mua/bán/môi giới trực tuyến, 60% thương lượng giá qua mạng,…

Giờ đây, công nghệ đã trở thành yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt, nếu doanh nghiệp làm chủ được công nghệ thì sẽ có cơ hội bứt phá và làm chủ thị trường. Tự động hóa trong quá trình tiếp thị và bán hàng không còn là một điều “có thì tốt, không có cũng không sao”, mà đã trở thành yếu tố “không thể thiếu” để các nhà phát triển bất động sản, đơn vị môi giới xây dựng cho mình vị thế nổi bật giữa vô số đối thủ cạnh tranh.

Nhưng thách thức không nhỏ

Thực tế, việc phát triển ứng dụng công nghệ số đã và đang được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bđs lớn trong nước xúc tiến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc áp dụng Công nghệ 4.0 nhìn chung vẫn còn ở những bước đầu. Yếu tố then chốt khiến Proptech vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam vẫn là do sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, mà cụ thể là nguồn vốn tài chính lẫn con người. Để thành công trong việc ứng dụng công nghệ, các chủ đầu tư cần phải có nguồn vốn để đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ của công ty mình, đồng thời tuyển dụng và xây dựng đội ngũ nhân sự ưu tú, đủ năng lực vận hành hệ thống công nghệ tối tân.

Proptech không chỉ là trải nghiệm khách hàng, mà còn là công nghệ thi công

Ảnh: hệ thống BIM của Gamuda Land

Một ví dụ điển hình thành công có thể kể đến Gamuda Land, một trong những chủ đầu tư nước ngoài nổi bật trên thị trường bđs Việt Nam. Là nhánh phát triển bất động sản của Gamuda Berhad, tập đoàn xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hàng đầu Malaysia và Đông Nam Á, Gamuda Land được thừa hưởng bề dày năng lực chuyên môn và nguồn lực tài chính dồi dào từ tập đoàn. Nhờ đó, nhà kiến tạo đô thị này đã có thể triển khai nhanh chóng và bài bản việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Ở cấp độ chiến lược, tại Malaysia, Tập đoàn Gamuda Berhad đã triển khai giải pháp IBS (Hệ thống Xây dựng công nghiệp hóa). Đây là công nghệ sản xuất kỹ thuật số các thành phần công trình. Thiết kế của ngôi nhà hoặc tòa nhà chung cư sẽ được phác thảo trực tuyến và không cần giấy tờ; dữ liệu sau đó được lưu trữ trên hệ thống điện toán đám mây và sau đó gửi trực tiếp đến rô-bốt sản xuất. Các tấm ghép này sau đó được lắp ráp tại chỗ giống như các khối Lego. Từ đó, đảm bảo chất lượng công trình đúng chuẩn, đẩy nhanh tốc độ xây dựng, và hạn chế khí thải carbon trong quá trình xây dựng. Được biết, công nghệ này sẽ sớm được Gamuda Land áp dụng tại Việt Nam.

Gamuda Land vừa chính thức kích hoạt ứng dụng di động tại thị trường Việt Nam

Trên phương diện trải nghiệm khách hàng, mới đây, Gamuda Land cũng đã cho ra mắt ứng dụng di động có tên “GL Lifestyle” tại thị trường Việt Nam. GL Lifestyle là một ứng dụng di động được Gamuda Land phát triển và thiết kế như một hệ sinh thái trực tuyến, cho phép người mua nhà và cư dân truy cập vào tất cả các tính năng, dịch vụ mà chủ đầu tư đã triển khai tại các khu đô thị của mình. Người dùng có thể thông qua ứng dụng để kết nối với các nhà bán lẻ, dịch vụ ăn uống, thể thao, mua sắm, giáo dục trong dự án để đặt chỗ, đặt hàng hoặc đặc quyền cập nhật các thông tin về dự án mới nhất của Gamuda Land.

Từ những ví dụ này, có thể thấy Proptech là một lĩnh vực vô cùng rộng và thú vị, không chỉ ở hành trình trải nghiệm khách hàng mà còn cả lĩnh vực công nghệ xây dựng. Dù còn nhiều thách thức, song Proptech tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa và điều kiện để phát triển. Việc Proptech phát triển mạnh mẽ sẽ giúp cho ngành BĐS đóng góp tích cực và việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.