Phát triển thị trường vàng

02/03/2024 06:46 GMT+7

Những bất ổn của thị trường vàng có vẻ như đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tính đến hôm qua (1.3), giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới 18,5 triệu đồng/lượng, ngấp nghé mức 80 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn ở thời điểm cuối tháng 12.2023, khi Thủ tướng Chính phủ có công điện khẩn chỉ đạo về thanh, kiểm tra thị trường vàng, được đánh giá là ổn định hơn, bám sát giá thế giới hơn vàng miếng nhưng hiện cũng đã tăng cao và đang trong tình trạng đắt đỏ chưa từng thấy, tới 66,7 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới 6,6 triệu đồng/lượng. Đáng lo ngại hơn, thị trường có thời điểm còn rơi vào khan hiếm vàng nhẫn cục bộ. Đây cũng được cho là nguyên nhân khiến giá vàng nhẫn tăng phi mã. Điều khó giải thích là mãi lực thị trường không cao nên không rõ vì sao xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá của vàng nhẫn.

Nguồn cơn của tình trạng bất ổn này đã được nêu nhiều lần, đó là tình trạng độc quyền vàng miếng SJC và thiếu nguyên liệu để sản xuất do cả thập niên qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cấp phép cho doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng nguyên liệu. Vì thế để sản xuất, họ phải mua vàng trôi nổi trên thị trường. Nhưng mua trôi nổi thì sợ rủi ro pháp lý nên cũng hạn chế..., cung thiếu thì giá cao.

Liên quan đến vấn đề này, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 (NĐ24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024. Thôi thì đành chờ hết tháng này cho tới hạn chứ thực tế những bất ổn của thị trường vàng đã được các chuyên gia, hiệp hội liên quan phân tích, đề xuất, kiến nghị sửa đổi NĐ24 nhiều lần trước đó nhưng không nhận được phản hồi từ NHNN.

Sự thận trọng của cơ quan quản lý với thị trường vàng xuất phát từ mục tiêu xuyên suốt bao năm qua là chống vàng hóa nền kinh tế. Bằng nhiều giải pháp, trong đó có độc quyền vàng miếng SJC và hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu, chúng ta đã bình ổn được thị trường kim loại quý, tình trạng thanh toán bằng vàng đã chấm dứt. Có lẽ vì thế nên giờ nới ra thì lại ngại... Tuy nhiên, không thể quản lý bằng cách cấm hay độc quyền đối với thị trường vàng nói riêng và tất cả hàng hóa dịch vụ nói chung. Những bất ổn hiện nay cũng cho thấy việc đưa thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới, không để người dân phải mua vàng với giá đắt đỏ phi lý là cần thiết. Quan trọng hơn, bên cạnh ổn định thị trường vàng thì cần phải có giải pháp để phát triển ngành công nghiệp nữ trang được đánh giá là nhiều tiềm năng của Việt Nam. Số liệu thống kê cho biết năm 2019, doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỉ USD; năm 2020 xuất khẩu được 2,6 tỉ USD, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đóng góp vào cán cân thương mại cũng như ngân sách nhà nước. Những con số đó cho thấy ngay trong bối cảnh khó khăn về nguyên liệu đầu vào, xuất khẩu nữ trang vẫn mang về hàng tỉ USD. Vậy đặt trường hợp nếu chúng ta đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các doanh nghiệp thì ngành công nghiệp sản xuất nữ trang chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tốt hơn, sẽ tận dụng được đội ngũ nghệ nhân kim hoàn có tay nghề cao, giá sản phẩm trong nước cũng cạnh tranh hơn, thị trường vàng ổn định hơn, đóng góp nhiều hơn vào cán cân thương mại, ngân sách nhà nước và tăng trưởng KT-XH.

Hơn 2 tháng chờ chính sách quản lý mới, thị trường vàng liên tục nổi sóng. Điều đó một lần nữa cho thấy việc giải quyết sự bất cập của NĐ24 đã đến lúc không thể chậm trễ hơn được nữa. Hy vọng với sự thận trọng bao năm qua, NHNN sẽ có những giải pháp phù hợp để không chỉ quản lý mà còn phát triển ngành công nghiệp nữ trang, khơi thông vốn vàng trong dân và tạo dựng một thị trường bền vững, lâu dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.