AP đưa tin người hiến thận là bà Kimberly Johnson, 48 tuổi, còn người nhận là Jennifer Filbert, 23 tuổi, cháu của bà Johnson.
Các bác sĩ tại Trường y Johns Hopkins (Mỹ) đã tiến hành cuộc phẫu thuật, đưa một quả thận của bà Johnson ra ngoài thông qua đường âm đạo để đem cấy ghép cho Filbert. Ngay trong đêm phẫu thuật, bà Johnson đã hồi tỉnh và cho biết cuộc phẫu thuật nhẹ nhàng hơn chuyện sinh con nhiều.
Giảm đau đớn, bớt để lại sẹo và bình phục nhanh là các ưu điểm nổi bật của việc phẫu thuật đưa thận ra ngoài qua đường âm đạo so với cách lấy thận qua vết rạch trên bụng truyền thống.
Cuộc phẫu thuật để lại 3 vết sẹo chỉ nhỏ bằng hạt đậu hà lan trên bụng của bà Johnson, trong đó một vết nằm trong lỗ rốn.
Các bác sĩ hy vọng rằng với các ưu điểm kể trên, cách phẫu thuật này sẽ khuyến khích thêm người hiến tặng nội tạng, nhất là phụ nữ, để cứu sống người khác.
Trước đây, các cuộc phẫu thuật liên quan tới thận qua đường âm đạo từng được thực hiện, nhưng là để cắt bỏ các khối u ở thận hay là để cắt bỏ những quả thận hỏng không hoạt động được nữa.
Ngoài ra, một số nội tạng hỏng khác cũng từng được cắt bỏ và đưa ra ngoài thông qua đường miệng, hậu môn và các lỗ tự nhiên khác trên cơ thể con người.
Nhưng các chuyên gia tin rằng đây là lần đầu tiên, thận hiến tặng được lấy ra ngoài thông qua đường âm đạo.
Cũng đã có một số quan ngại từ giới chuyên môn về việc đưa nội tạng qua một bộ phận có nhiều vi khuẩn sinh sống như âm đạo rồi đem nó cấy ghép cho người nhận, vốn có sức đề kháng rất thấp do phải uống thuốc chống đào thải.
Trong trường hợp của bà Johnson, các bác sĩ đã đưa một túi nhựa vào ổ bụng thông qua một vết bấm nhỏ trên bụng để sau đó bao bọc quả thận, bảo vệ nó khỏi bị nhiễm khuẩn trong “hành trình” chui ra khỏi âm đạo.
Đoan Nhật
Bình luận (0)